Huyền tích “Cô gái Suối Hai - chàng trai cầu Giẽ”

Từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì bài hát “Hà Tây quê lụa” ít được vang lên, song dư âm của bài hát vẫn lắng đọng trong tim những người con quê lụa và đặc biệt hình ảnh “Cô gái Suối Hai-chàng trai Cầu Giẽ” vẫn như hiển hiện trong tâm trí mọi người.
kin-3533-1548-1642123438.jpg
Bên thành cổ Sơn Tây

…Hà Tây! Cữa ngõ Thủ đô Áo giáp chở che ngàn năm bền vững/Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời/Hà Tây! Vọng gác Thủ đô - Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ/Giữ lấy mầu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên…”. Tuy nhiên, lịch sử về Suối Hai và Cầu Giẽ thì gần đây tôi mới có dịp tìm hiểu kĩ. Xin chia sẻ với các bạn.

Cô gái Suối Hai:

Hồ Suối Hai (Ba Vì) là một hồ nước ngọt nhân tạo được xây dựng từ lâu, hồ giữ nước làm thủy lợi và cải tạo môi trường. Hồ nằm dưới chân núi Ba Vì, có hệ thống đập giữ nước từ hai suối chính Yên Cư và Cầu Rồng chảy từ trên núi xuống (có lẽ vì thế có tên là Suối Hai). Hồ có diện tích mặt nước 10km2. Vào tháng 4/1946 trước khi lên Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã về khảo sát địa bàn này.

Khi đối phó với chiến tranh phá hoại của gặc Mỹ một số cơ quan của Hà Nội và Trung ương sơ tán về địa phương. Tại đây, huyện đã xây dựng các cụm kết nghĩa chiến đấu, sản xuất ở các khu vực trọng điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm trận địa được xây dựng, sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ. Cụm chiến đấu ở Suối Hai gồm lực lượng dân quân 3 xã Phú Mỹ (Quảng Oai), Cẩm Lĩnh (Bất Bạt), Thụy An (Tùng Thiện) luôn trực sẵn sàng chiến đấu cao. 

Ngày 24/7/1965, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Suối Hai, các trận địa phòng không của bộ đội và dân quân Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Tòng Bạt, Thụy An được lệnh nổ súng, không cho máy bay Mỹ hạ độ cao, góp phần để bộ đội tên lửa ra quân trận đầu tiên tiêu diệt hai máy bay địch. Ngày 27/7/1965, nhiều tốp máy bay cường kích F-105, bay tầm thấp đánh phá rất ác liệt vào khu vực Suối Hai và các trận địa tên lửa giả. Hai xã Thái Hòa, Cẩm Lĩnh phải hứng chịu 80 quả bom phá, hàng trăm quả bom bi của giặc làm 2 người chết và 15 người bị thương.

Trong mưa bom, bão đạn, các lực lượng dân quân tự vệ của huyện phối hợp với các đơn vị phòng không của bộ đội chủ lực kiên cường đánh trả. Tiêu biểu là dân quân các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Tòng Bạt, Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Vật Lại; tự vệ nông trường Ba Vì và công trường Đá Chẹ đã phối hợp chặt chẽ, đồng loạt nổ súng, bắn rơi 5 máy của Mỹ.

Từ ngày 9/9 đến ngày 16/9/1965, máy bay Mỹ đã ném 250 quả bom phá xuống khu vực Suối Hai, đường 84, doanh trại bộ đội, tập trung nhất là vào Hồ Suối Hai, làm 1 số người dân thương vong, nhiều nhà bị cháy. Trong khó khăn nguy hiểm đã xuất hiện nhiều đơn vị cá nhân, điển hình. Trung đội dân quân thôn Tân An xã Cẩm Lĩnh 8 ngày đêm đã phối hợp với bộ đội trận địa pháo cao xạ bắn máy bay địch. Tiểu đội nữ dân quân của xã gồm 7 đoàn viên đã dũng cảm vượt qua bom đạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kết thúc đợt chiến đấu được tặng danh hiệu quyết thắng.

Nữ tự vệ Nguyễn Thị Minh Thân ở Xí nghiệp gạch Suối Hai không sợ bom đạn, thấy nhiều bom bi chưa nổ, nghĩ đến sự an toàn của nhân dân đã tìm cách tháo gỡ hàng trăm quả bom bi chuyển đến nơi tiêu hủy. Hành động dũng cảm của đồng chí Thân được nhân dân và đồng đội hết sức thán phục, gọi là “Cô hàng dứa” (bom bi hình quả dứa). Nữ dân quân Vũ Thị Loan (thôn Yên Khoái, Thụy An) đã vượt hồ Suối Hai sang đảo để bắt giặc lái. Qua đó hình ảnh “cô gái Suối Hai ” đã trở thành biểu tượng và lòng tự hào của nhân dân địa phương. Và “Cô gái Suối Hai” được Nhạc sĩ Nhật Lai đưa vào bài hát nổi tiếng của Hà Tây.

Chàng trai Cầu Giẽ:

Theo truyền thuyết, tên gọi Cầu Giẽ bắt nguồn từ khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc (01/1789) đã dừng chân tại đây và chia quân rẽ làm 3 mũi, tiến đánh giặc Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long, nên gọi là Cầu Giẽ… Khi thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, làm tuyến đường sắt qua đây (năm 1903), cầu thép dài 160 mét cho cả xe lửa và ô tô đi chung. Cuối tháng 12/1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”, quân dân ta đã phá hủy cây cầu này. Giữa năm 1950, thực dân Pháp đã xây lại Cầu Giẽ nhằm nối thông quốc lộ số 1 từ Hà Nội xuống Phủ Lý và Nam Định.

Pháp còn xây bốt ở ngay đầu Cầu Giẽ thuộc thôn Bài Lễ, xã Châu Can để bảo vệ vị trí giao thông trọng yếu này. Quân dân các xã Đại Xuyên, Phú Yên, Châu Can kết hợp với bộ đội thường xuyên tổ chức đánh bốt và tiến hành địch vận, gây cho địch nhiều tổn thất. Điển hình là trận phục kích ngày 15/5/1950, một đại đội bộ đội chủ lực phối hợp cùng du kích địa phương đã tiêu diệt một trung đội lính Âu - Phi, thu nhiều vũ khí…

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1965-1968), dân quân ba xã trên cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ và đại đội súng máy 12 ly 7 của bộ đội tỉnh đã kết hợp chặt chẽ với nhau, hình thành nên cụm chiến đấu Cầu Giẽ do huyện ủy Phú Xuyên trực tiếp lãnh đạo. Từ tháng 7/1966, không quân Mỹ đánh phá cầu Giẽ rất ác liệt. Trong ngày oanh tạc đầu tiên, 12/7, máy bay Mỹ bắn hàng chục quả đạn rốc két, ném 32 quả bom phá xuống cầu Giẽ. Các khẩu đội 12 ly 7 của bộ đội và dân quân, tự vệ đánh trả quyết liệt. Khi tiếng bom vừa dứt, dân quân cùng đơn vị công binh đã khẩn trương sửa cầu, lấp hố bom.

Từ ngày 12-15/7/1966, địch dùng các loại máy bay phản lực loại F44, 4A, 303, F101 đánh phá cầu. Cụm chiến đấu Cầu Giẽ phối hợp với các lực lượng phòng không bảo vệ phía Nam Hà Nội đã hạ 07 chiếc máy bay địch, đảm bảo giao thông liên tục với tiền tuyến lớn. Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Hà Tây tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly để bảo vệ trọng điểm này. Dân quân hai xã Châu Can, Đại Xuyên khiêng cả khẩu pháo nặng hàng tấn qua đồng lầy vào trận địa, kịp thời chiến đấu. Tỉnh đội còn điều hai trung đội du kích tập trung thuộc hai huyện Thạch Thất, Đan Phượng tham gia chiến đấu bảo vệ Cầu Giẽ.

Tiếp tục là các đợt đánh trả địch trong 22 ngày đêm, từ ngày 01-22/7/1967, Mỹ dùng với 368 lần chiếc, ném gần 800 quả bom phá, hơn 6000 quả bom bi. Các thôn: Cổ Trai xã Đại Xuyên, Bài Lễ xã Châu Can, Lịm xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên) bị đánh với tính chất hủy diệt. Quân dân huyện ba xã đã kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt. Hai mươi nữ du kích xã Phú Yên và đội nữ du kích của hai xã Châu Can, Đại Xuyên ngày đêm bám trận địa phục vụ chiến đấu, sẵn sàng thay pháo thủ khi có lệnh. Trung đội trực chiến xã Nam Triều hết lương thực nhưng không ai chịu rời trận địa. Trong lửa đạn ác liệt, gương phục vụ chiến đấu, nhiều điển hình được mọi người nhắc nhớ như:

Các dân quân thôn Cổ Trai xã Đại Xuyên đã tiếp đạn cho bộ đội trên trận địa; sau đó, vận chuyển thương binh về nơi sơ cứu. Các chị còn đi thu nhặt 750 quả bom bi chưa nổ ở cánh đồng Cổ Trai, đảm bảo cho nhân dân sản xuất được an toàn. Cả nhà ông Đang ở Quán Thôn (xã Châu Can) tham gia tiếp đạn, cứu chữa thương binh. Nhà sư trụ trì chùa Giẽ Hạ mang tặng bộ đội hàng gánh bưởi, chuối, chanh quả và còn ủng hộ bộ đội hàng trăm cây tre để làm trận địa. Các em thiếu nhi xã Đại Xuyên, xã Châu Can tự thu góp 500 cân quần áo rách để bộ đội lau súng, lấy lá cây cho bộ đội, du kích ngụy trang trận địa… Ở xã Phú Yên, 22 nữ dân quân do bà Nguyễn Thị Minh làm Trung đội trưởng. Các nữ dân quân đã bám sát trận địa, lăn xả vào nơi nguy hiểm, băng bó và cáng thương binh ra đường quốc lộ, để đưa về trạm cấp cứu.

Tinh thần phục vụ chiến đấu của nhân dân Phú Xuyên ở cụm Cầu Giẽ đã khích lệ bộ đội, dân quân du kích “đánh giỏi bắn trúng”. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 12 đến 18-7-1967) cụm chiến đấu Cầu Giẽ đã bắn rơi 5 máy bay giặc Mỹ. Bom đạn của Mỹ đào phá nhiều lần nhưng giao thông ở khu vực Cầu Giẽ vẫn được giữ vững. Đợt thứ 2, khi giặc Mỹ tang cường ném bom dữ dội ở các vùng Yên Viên, Cầu Đuống, Thường Tín,... Mà Cầu Giẽ là 1 trọng điểm nhằm cắt đứt giao thông từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến.

Ngày 06/7/1972, hai lần địch đánh vào ban đêm xuống khu vực Cầu Giẽ. Huyện ủy chỉ đạo lực lượng dân quân, du kích và bộ đội chiến đấu quyết liệt bảo vệ được mục tiêu. 4 nữ dân quân xã Phú Yên (là các đồng chí Chúc, Phượng, Thúy, Quy) bị thương vì bom xuyên, nhưng quyết không rời trận địa và chiến đấu rất dũng cảm. Ngày 22/7/1972, địch đánh vào trận địa Cầu Giẽ thuộc địa phận xã Châu Can, các trận địa phối hợp tác chiến, giữ được cầu an toàn. Ngày 16/9/1972 không quân Mỹ mở chiến dịch ồ ạt đánh phá các trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Xuyên, trong đó, khu vực Cầu Giẽ, Nhà máy Đường Vạn Điểm là những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Dân quân các xã Nam Triều, Châu Can, Đại Xuyên, Phú Yên, kết hợp với tự vệ Nhà máy Đường Vạn Điểm bắn trúng máy bay F4-H. Trận địa phá cao xạ 37mm và dân quân khu vực Cầu Giẽ cũng bắn bị thương một chiếc khác

Đêm 6/10/1972 và trong chiến dịch Lainơ Bếch cơ II, Mỹ huy động hàng trăm lần chiếc máy bay ném hơn 50 quả bom hạng nặng xuống khu vực Cầu Giẽ. Nhưng quân dân các xã vẫn hiên ngang trụ vững dưới làm mưa bom bão đạn; bị thương vẫn không rời trận địa. Ngày 22-12-1972, địch huy động nhiều tốp máy bay đánh vào cụm chiến đấu Cầu Giẽ. Đơn vị C3 Ngô Quyền của tỉnh Hà Tây (cũ) và LLVT huyện Phú Xuyên phối hợp với bộ đội phòng không, không quân chiến đấu ngoan cường, mưu trí, bắn rơi 01 máy bay của giặc Mỹ, bắt sống tên trung tá Uy-li-am Oan tơn Co-lie, sĩ quan chuyên về chiến tranh điện tử.

Cầu Giẽ là niềm tự hào của quân dân Phú Xuyên nói riêng, của Hà Nội nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 29/1/1996, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên và xã Châu Can. Ngày 28/4/2004, xã Đại Xuyên và xã Phú Yên cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Có thể nói huyền tích cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ đã trở thành một phần máu thịt của văn hóa xứ Đoài./.