Nhà thờ họ Đỗ
Nằm ở thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh. Nhà thờ có từ thời Hậu Lê. Năm 1943 - 1944, là cơ sở rất nhiều hoạt động cách mạng. Nhà thờ còn lưu giữ nhiều tài liệu có giá trị lịch sử như: “Phả Đỗ tộc”, câu đối, đại tự, 03 bia đá thời Nguyễn ghi công đức tu bổ di tích, 05 sắc phong thời Nguyễn, Bằng có công với nước, Đồng tiền vàng của Tổng Bộ Việt Minh trao tặng,...
Đình Tượng Cước
Thuộc làng Tượng Cước, xã Xuân Trúc thờ Thành hoàng Đỗ Anh Vũ. Tại đình còn lưu giữ một số hiện vật giá trị có niên đại lịch sử như: tượng Đỗ Anh Vũ, bộ tam sự đồng, ngai thờ, đại tự, câu đối….
Đình Tiên Kiều
Thuộc thôn Tiên Kiều, xã Bãi Sậy thờ Tín Yết Đại vương. Trong kháng chiến chống Pháp đây là nơi tập trung để đi cướp chính quyền ở huyện năm 1945, nơi lực lượng du kích và bộ đội địa phương trú quân đánh bốt chợ Hà,... Hiện vẫn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử : một cuốn phả tích và 04 sắc phong thời Lê, 07 sắc phong thời Nguyễn, 03 bia đá và 01 bát hương đá thời Nguyễn.
Đình Mão Cầu
Thuộc làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, là nơi thờ Trần Khắc Chung. Qua các triều đại, ngôi đền đều được tu sửa và trùng tu. Vậy nên, Đền mang đậm nét nghệ thuật thời Lê - Nguyễn đan xen thú vị có thể khám phá.
Đình Đào Xá
Nằm ở Bắc làng Đào Xá, xã Đào Dương thờ Linh Lang Đại Vương, tại đình còn bảo lưu lại các chi tiết vô cùng đặc sắc và tinh xảo và lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ rất có giá trị như: 01 kiệu bát cống thời Lê, ngai thờ, câu đối, đỉnh đồng, bát hương sứ…
Đình Đanh
Nằm đầu thôn Đan Tràng, xã Hồng Vân, thờ hai ông Lôi Công và Bảo Công (thời vua Hùng). Trong giai đoạn 1930-1945, nơi đây là hòm thư bí mật của Đảng do đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo giành chính quyền, nơi chỉ đạo cho phong trào du kích địa phương,...
Đền Phù Ủng
Tọa lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, là nơi thờ Phạm Ngũ Lão. Ngôi đền có kiến trúc đồ sộ mang đậm bản sắc thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị về mặt lịch sử: như hệ thống điêu khắc đá, tượng đồng, đại tự, câu đối, chén bạc thời Nguyễn, sắc phong,…
Đền Nhân Vũ
Thuộc thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, thờ bà Ngọc Chi, là con gái của quan Tri phủ huyện Thiên Thi - Quách Đình Hồ. Đây là di tích có số lượng hiện vật và đồ thờ khá độc đáo mang tính văn hóa, như: sập, đẳng, khánh, bát hương, lộc bình,…
Đền - Chùa Xá
Tọa lạc đầu thôn Cẩm La, xã Cẩm Ninh là nơi tôn thờ Đế Thích Phạm Vương. Chùa Xá nằm liền kề tôn thờ Đức Phật và các môn đệ nhà Phật. Hiện cụm di tích có nhiều cổ vật quý như: 08 tấm bia đá trong đó có 01 bia khắc năm Chính Hòa thứ 3 thời Lê (1682) và 07 tấm bia thời Nguyễn, 01 chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh (1793), khánh đồng thời Nguyễn…
Đình Đanh Xá
Tại làng Đanh Xá, xã Hoàng Hoa Thám thờ Ngũ Vị Đại Vương. Đình còn lưu giữ một số hiện vật quý như: Kiệu long đình thời Nguyễn được sơn son thếp vàng với nét chạm khắc rồng, phượng tinh xảo, đại tự, câu đối…
Đền Mão Đông - Đền Gạo Bắc
Đền Mão Đông thuộc làng Mão Đông, đền Gạo Bắc thuộc làng Gạo Bắc. Tuy là hai thôn 2 đền chỉ cách nhau 600m. Nơi đây tôn thờ 3 nàng công chúa là Huyền Trân, Thiệu Linh và Kiều Cao. Đền có từ thời Trần, được trùng tu vào Nguyễn, mang nhiều dấu ấn lịch sử của các thời đại.
Đền Trà Phương
Tại thôn Trà Phương, xã Hồng Vân thờ thiên thần là Ngọc Hoàng thượng đế, Thái Thượng Lão quân; thờ vọng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Hiện tại đền còn lưu giữ một số hiện vật rất có giá trị như: chóe sứ, bát hương, lục bình, nhang án,…
Đình Đào Quạt
Thuộc hôn Đào Quạt, xã Bãi Sậy, là nơi tôn thờ Đào Công Chí võ tướng thời Lý. Đình mang nhiều dấu ấn giao thoa của thời Lý - Hậu Lê - thời Nguyễn. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như: 18 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá niên đại năm 1758, phỗng đá, 03 tảng đá hoa sen thời Lê,...
Đình Cù Tu
Đình Cù Tu nằm ở cuối làng Cù Tu, xã Xuân Trúc thờ Thiết Công và Yên Công. Đình; Đình lưu giữ nhiều cổ vật quý như: 01 giá đài gỗ thời Lê, sơn son thếp vàng còn nguyên vẹn; 01 giá đài thời Nguyễn; 01 sập gỗ thời Nguyễn; 01 chuông đồng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820); 01 mũ đồng có hình rồng chầu; 01 đôi hia đồng lưỡng long chầu nguyệt.
Với 14 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn, huyện Ân Thi là minh chứng cho một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa từ xa xưa đến hiện tại. Mỗi công trình đều mang nét đặc trưng riêng, phản ánh đời sống văn hóa phong phú, tinh thần đoàn kết, lòng kính trọng tổ tiên và niềm tự hào về nguồn cội của người dân Hưng Yên.
Những di tích này là nguồn động lực để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Nếu đã đến Hưng Yên thì bạn nhất định phải ghé huyện Ân Thi một lần để hiểu thêm về văn hóa - lịch sử cội nguồn dân tộc được lưu giữ nơi đây nhé./.