Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu doanh nghiệp này.
Theo HOSE, ngày 01/06/2022, cơ quan này đã có quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines do vốn chủ sở hữu hãng hàng không này đã âm 2.160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (2020 - 2021) cũng là số âm.
Vì vậy, cổ phiếu của Vietnam Airlines thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của HOSE.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines tiếp tục âm 5.167,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2022 âm 28.904,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 4.897,4 tỷ đồng.
Theo quy định tại Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Với quy định trên, HOSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2022, phía kiểm toán là Công ty Deloitte Việt Nam đã lưu ý, tại thời điểm ngày 30/06/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của công ty là 14.858 tỷ đồng.
Mặt khác, trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Vietnam Airlines có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế với số tiền là 5.237 tỷ đồng.
Phía kiểm toán cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
Những điều kiện trên, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines vẫn áp dụng tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 theo hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2021 và 2020.
Giải trình về ý kiến của đơn vị kiểm toán, Vietnam Airlines cho biết do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác quốc tế của hãng. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đều gia tăng khiến công ty tiếp tục thua lỗ.
Trong năm nay, Vietnam Airlines dự kiến thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu, bao gồm cải thiện kết quả kinh doanh để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao và tiến tới có lãi trong các năm sau; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền; chuẩn bị các điều kiện để phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Ngoài ra, hãng cho biết đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến giữa năm nay, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng đã đạt hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ.