Vĩnh Long nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích tự nhiên là 1.525,73 km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 119.878 ha, chiếm 78,57% diện tích tự nhiên. Tổng dân số năm 2021 là 1.022.719 người, mật độ dân số 670 người/km2. Vĩnh Long có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu và gần như toàn bộ được khép kín bởi các công trình thủy lợi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây lúa, cây ăn trái, rau màu, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến ngày 31/12/2022, Vĩnh Long có 114 HTX nông nghiệp - thủy sản (trong đó có 8 HTX lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè), đã thành lập mới 13 HTX... Doanh thu bình quân đạt 1.804 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/HTX.
Đánh giá về vai trò của HTX, tại Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho rằng, HTX chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản, HTX sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân.
Việc liên kết sản xuất - xuất khẩu giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long. Vì vậy, trong thời gian tới Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, trước hết cần phải thống nhất đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu đến người dân và HTX.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng đào tạo gắn với quy hoạch nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực.