Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”:

Hơn 760 triệu cây xanh được trồng, cả nước có thêm 212.373 ha rừng tập trung

Theo Cục Lâm nghiệp, sau 3 năm thực hiện Đề án“Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 334.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 212.373 ha rừng tập trung gồm rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất tương đương với 435.357.000 cây.
cay-xanh-1705288133.jpg
Cây xanh không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng. Ảnh minh họa

Cây xanh không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại những lợi ích vô cùng to lớn về sinh thái, cảnh quan và môi trường, giúp điều hoà khí hậu, bảo vệ con người khỏi các tai biến thiên nhiên và nhiều giá trị xã hội khác. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn đã gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân. Thực tiễn này đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 524/QĐ-TTg kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cả nước chung tay trồng mới 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Với mục tiêu của đề án đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản kế hoạch, quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động như rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng; đất trồng cây xanh đô thị, cây xanh phân tán vùng nông thôn .... phát động “Tết trồng cây” hàng năm.

Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,...cùng nhiều cơ quan đơn vị đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Các tỉnh, thành phố đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh với tổng số 1.065.000.000 cây, trong đó: Trồng mới rừng tập trung là 239 nghìn ha và 597 triệu cây xanh phân tán.

Theo tổng kết của Cục Lâm nghiệp. sau 3 năm thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 334.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 212.373  ha rừng tập trung gồm  rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất tương đương với 435.357.000 cây.

Một số địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao như các tỉnh trên 30 triệu cây: Lào Cai, Phú Thọ, Long An, Gia Lai, Nghệ An; nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kom Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái.

106d5140436t1428l10-4-1705288134.jpg
Trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2023 - Ảnh: T.N

Các Bộ ngành, cơ quan Trung ương tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh như: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm triển khai trên toàn quốc với 49,2 triệu cây xanh được trồng; Bộ Quốc phòng tổ chức trồng được trên 9,6 triệu cây phân tán và hơn 4.800 ha rừng trồng.

Ngoài ra, Bộ Công an , Bộ Giao thông vận tải , Bộ Giáo dục, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và các trường học để phát triển phong trào trồng cây trên cả nước. Nhờ đó, ngày càng có thêm những hoạt động cụ thể, thiết thực góp vào sự thành công của Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động ngày 9 – 12/2023.

Nhiều tỉnh và các Bộ ngành có cách làm hay, các hoạt động sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng và trồng cây xanh. Tổng số nguồn vốn huy động thực hiện Đề án trong 3 năm là hơn 9 nghìn 4 trăm tỷ đồng (9.482.840 tỷ đồng), trong đó: hơn 4 nghìn tỷ đồng (4.054.301 tỷ đồng) từ vốn vốn xã hội hóa (chiếm 42,75 %), đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống còn có sự đóng góp về nguồn lực lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo Cục Lâm nghiệp, sau 3 năm thực hiện đề án cũng gặp phải nhiều Khó khăn thách thức như: Quỹ đất trồng rừng mới ngày càng hạn hẹp; Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm; Phát triển cây xanh ở một số địa phương còn manh mún chưa được quy hoạch cụ thể, nhiều nơi cây phát triển không đồng đều về chủng loại cũng như kích cỡ, chưa tạo được cảnh quan đẹp.

Do đó, để hoàn thành mục tiêu của Đề án, các Bộ ngành và địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng giai đoạn 2024 - 2025.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát quỹ đất; huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công nhằm huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện Đề án. Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch, dự án, bố trí quỹ đất và huy động nguồn lực để trồng cây, trồng rừng.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các tổ chức và cộng đồng dân cư về công tác phát triển rừng và trồng cây xanh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh, đảm bảo cây xanh và rừng sau khi trồng phát triển tốt./.

Hương Lan