Hơn 20.440ha cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang được cấp mã số vùng trồng, tạo đột phá xuất khẩu

Các ngành chuyên môn tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn sản xuất trái cây theo hướng an toàn sinh học để tiếp tục được cấp mã số vùng trồng. Đặc biệt, đối với vườn cây sầu riêng đến năm 2025 sẽ được cấp đến 324 MSVT, với diện tích gần 15.000ha.
ma-so-vung-trong-nong-san-02-1715526362.jpg
Vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có 284 mã số vùng trồng, với diện tích hơn 20.440ha. (Ảnh minh họa)

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, đến nay, vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã có 284 mã số vùng trồng, với diện tích hơn 20.440ha. Trong đó, vườn cây mít được cấp 72 mã số, với diện tích hơn 8.600ha; vườn thanh long được cấp 80 mã số, với diện tích khoảng 6.140 ha;  xoài 34 mã số với diện tích hơn 1.600 ha; 12 mã số vùng trồng cây vú sữa, 5 mã số vùng trồng cây dưa hấu.

Riêng  vườn cây sầu riêng có 72 mã số với diện tích hơn 2.600 ha. Ngoài ra toàn tỉnh còn được cấp 308 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu.

Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với cây ăn trái được  các cấp chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang quan tâm, là điều kiện quan trọng để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang các nước trên thế giới.

Các ngành chuyên môn tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn sản xuất trái cây theo hướng an toàn sinh học để tiếp tục được cấp mã số vùng trồng. Cá biệt đối với vườn cây sầu riêng  đến năm 2025 sẽ được cấp đến 324 MSVT, với diện tích gần 15.000 ha.

ma-so-vung-trong-nong-san-03-1715526425.jpg
Vườn cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang được ưu tiên cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết: “Đối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, mình tiếp tục vận động, tuyên truyền cho bà con nông dân. Đối với mã số vùng trồng là phải sản xuất  để cấp theo các quy định, phải sử dụng những thuốc mà Cục BVTV đưa ra, nên ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly. Và đặc biệt phải quan tâm, quản lý tốt các đối tượng dịch hại. Nếu như mã số vùng trồng làm tốt vấn đề này thì cơ sở đóng gói mua về xử lý tiếp thì lúc đó chúng ta đóng gói rất đảm bảo”.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sầu riêng có diện tích 17.650 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 278.000 tấn trái; vùng chuyên canh thanh long có diện tích 8.900 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 260.000 tấn trái, vùng chuyên canh bưởi có diện tích 4.730 ha, sản lượng mỗi năm trên 86.000 tấn trái, vùng chuyên canh khóm có diện tích 14.460 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 250.000 tấn trái...

Các loại trái cây chủ lực của tỉnh đều là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao. Ước tính, khoảng 70% sản lượng trái cây tươi Tiền Giang xuất khẩu qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Xuất khẩu chính ngạch trái cây tươi, trái cây chế biến qua đường chính ngạch còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

ma-so-vung-trong-nong-san-04-1715526465.jpg
Tỉnh Tiền Giang định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu.(Ảnh minh họa)

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm, giúp đổi mới nông nghiệp - nông thôn - nông dân và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển các nhóm cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như: Thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc… theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang tính hàng hóa giá trị cao.

Trước mắt, tập trung củng cố, nâng chất các vùng trồng cây ăn trái đặc sản là sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim,… phía Nam Quốc lộ 1 đồng thời từng bước chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả khu vực giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sang trồng chuyên canh cây ăn trái.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các ngành hữu quan tập trung đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh, hướng nông dân vùng chuyên canh cây ăn trái vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo tiêu chí an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP,… hình thành các hợp tác xã liên kết doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu./.

Bình Nguyên