Hội nghị tổng kết hoàn thành dự án "chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT)

Ngày 12/10, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoàn thành dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT). Tham dự buổi hội nghị tổng kết có ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Lê Văn Hiến – Trưởng ban CPO Nông nghiệp, ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, bà Dina Umali Deininger – Giám đốc phụ trách Nông nghiệp Ngân hàng Thế giới, cùng các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT tham dự.

Dự án VNSAT được triển khai từ năm 2015 đến năm 2022, do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam. Mục tiêu Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp với 2 hợp phần chính là lúa gạo và cà phê. Dự án hướng tới quá trình canh tác giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng cường năng lực thể chế, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ NN&PTNT và các tỉnh tham gia của dự án, trong đó: Hợp phần lúa gạo với 200.000 ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm; Hợp phần cà phê với 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48-50 triệu USD/năm (242-250 triệu USD cho 5 năm). Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà phê (20-25 năm).

hoi-nghi-1665583216.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Lúa gạo và cà phê là 2 ngành hàng lớn rất quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên đây lại là 2 mặt hàng phải chịu tác động lớn về điều kiện sản xuất kinh doanh. Giá cả thị trường của 2 mặt hàng này cũng thường xuyên biến động, đặc biệt là cà phê. Đến nay, sau khi Dự án VnSAT triển khai đã có những thay đổi rất sâu rộng.

Với mặt hàng lúa gạo, Việt Nam đã có rất nhiều giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu với giá cả cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trên thế giới. Đối với cây cà phê, từ những vườn già cỗi, chi phí sản xuất cao, các tỉnh đã tái canh được nhiều diện tích cho năng suất vượt trội. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, năng suất 1ha cà phê hiện nay đạt đến 3,5 tấn, cao gấp nhiều lần các vườn cà phê ở các nước khác trên thế giới.

Thứ trưởng đánh giá cao kết quả thu được sau khi dự án kết thúc. Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê bằng việc lựa chọn triển khai kịp thời, đúng thời điểm cũng như tập trung vào 2 ngành hàng quan trọng. Bên cạnh đó, dự án được thiết kế ngay từ đầu rất bài bản, khoa học, logic; các đơn vị tham gia dự án có năng lực, hoạt động hiệu quả.

hoi-nghi-1665583216.jpg
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội nghị

Đến 30/6/2022, Dự án đã đạt được nhiều mục tiêu đặt ra, đó là: Đào tạo kỹ thuật 3G3T (3 giảm, 3 tăng) cho 156.536 nông dân với diện tích 214.706ha. Qua giám sát đánh giá mức độ sau đào tạo đã có khoảng 86,8% diện tích được đào tạo áp dụng đủ 4 tiêu chí của quy trình 3G3T tương đương diện tích khoảng 184.643 ha, đạt 123% so với mục tiêu cuối kỳ là 150.000 ha; Đã đào tạo 1P5G (1 phải, 5 giảm) cho 105.759 nông dân với diện tích 148.431 ha. Qua đánh giá mức độ áp dụng sau đào tạo đã có khoảng 83,5% diện tích được đào tạo áp dụng đủ 6 tiêu chí của quy trình 1P5G tương đương diện tích khoảng 121.508 ha, đạt 162% so với mục tiêu cuối kỳ là 75.000 ha. Ngoài các quy trình trên, dự án còn hỗ trợ đào tạo cho các tổ hợp tác/hợp tác xã (THT/HTX) một số quy trình bao gồm kỹ năng quản lý HTX, kỹ thuật luân canh, tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, nhân giống xác nhận, sản xuất lúa VietGAP nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tái canh các vườn cây cà phê năng suất thấp. Đến nay, đã có 22.000ha cà phê của tỉnh tái canh thành công, cho năng suất vượt trội. Nếu như năng suất trung bình của cây cà phê ở Đắk Nông vào năm 2015 chỉ khoảng 2,2 tấn/ha thì hiện đã lên đến hơn 3 tấn/ha. Cùng với đó, tỉnh này cũng đã xây dựng được các vườn cà phê cảnh quan, hướng tới hình thành những vườn cà phê đặc sản cho giá trị cao. Cùng với đó dự án cũng đã hỗ trợ cho tỉnh xây dựng các cơ sở hạ tầng để kết nối các vùng nông nghiệp, kênh mương, giao thông nông thôn rất thiết thực nhằm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của người dân cũng được nâng lên nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả.

Sau khi dự án kết thúc có thể khẳng định VnSAT là dự án đầu tư của Nhà nước có hiệu quả đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững. Hai ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên sau 5 năm và 18 tháng gia hạn thực hiện Dự án VnSAT đã có thay đổi thực sự. Đối với cà phê ở Tây Nguyên, dự án đã làm chuyển đổi nhận thức về canh tác cà phê theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và canh tác cà phê bền vững. Các quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" và các tiến bộ kỹ thuật mà Dự án VnSAT chuyển giao sẽ góp phần nâng cao lợi nhuận cho người dân trồng lúa ở ĐBSCL.