Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu

Những yếu tố bất ổn trên thế giới ngày càng khó lường. Nhiều hàng rào kỹ thuật đang được dựng lên bởi các quốc gia, dù có tồn tại những nỗ lực thuận lợi hóa thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn cũng đã đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới không thuận lợi. Tăng trưởng GDP Quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước; nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất thấp hoặc giảm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu, nhập khẩu đều ghi nhận mức giảm 2 con số so với cùng kỳ ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

dsc0106920230425094126-1682409529.jpg
Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Ảnh: Báo Công Thương

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi trị giá nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ. Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 19,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ; trị giá nhập khẩu đạt 25,8 tỷ USD, giảm 14,1%. Còn ở khu vực doanh nghiệp FDI, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,6 tỷ USD (tính cả dầu thô), giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trị giá nhập khẩu đạt 48,7 tỷ USD, giảm 16%. Dù vậy, trong tháng 3, cán cân thương mại hàng hoá tiếp tục ghi nhận xuất siêu 1,4 tỷ USD. Tính chung Quý I/2023, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có xuất siêu 4,8 tỷ USD. Từ  thực tiễn đó, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu đang ghi nhận sự sụt giảm ở tất cả các khu vực thị trường. Trong đó, xuất khẩu giảm mạnh nhất ở thị trường châu Mỹ, tiếp đó là thị trường châu Âu và thị trường châu Phi

Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ trong Quý I/2023 đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 20,8 tỷ USD, giảm 20,9%; sang Canada đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,4%;  Xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong Quý I/2023 đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu sang EU đạt 10,4 tỷ USD, giảm 10%; sang Anh đạt 1,4 tỷ USD, giảm 1,3%; sang Nga đạt 371 triệu USD, giảm 32,8%; Xuất khẩu sang thị trường châu Phi trong Quý I/2023 đạt 624,8 triệu USD, giảm 11,2%; sang thị trường châu Đại Dương đạt 1,44 tỷ USD, giảm 3,7%.

Còn xuất khẩu sang thị trường châu Á trong Quý I/2023 đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11%; sang Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,6%. Riêng thị trường Nhật Bản và thị trường ASEAN, xuất khẩu quý I/2023 đạt tương đương so với cùng kỳ.

Về nhóm hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, trong đó đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, sau đó đến nhóm hàng nông sản, thuỷ sản.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27,3%; xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2%; xuất khẩu cà phê giảm 5,4%; Xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%; Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xuất khẩu giày dép các loại đạt 4,33 tỷ USD, giảm 18,3%; xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%...

Để góp phần đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu như đã đặt ra, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vào ngày 25/4/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”.

bt-ng-hong-dien20230425100721-1682394047.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Ảnh: Báo Công Thương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, các quốc gia đang phải tập trung phục hồi kinh tế, chống lại sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng cũng như tình hình lạm phát ngày càng lan rộng, căng thẳng. Thế giới đang tiếp tục lâm vào những cuộc khủng hoảng mới về chính trị, kinh tế, thậm chí là chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Nhiều hàng rào kỹ thuật đang được dựng lên bởi các quốc gia, dù có tồn tại những nỗ lực thuận lợi hóa thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. “Trong bối cảnh như vậy, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Vì vậy, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, tại hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng thực trạng tình hình; xác định rõ khó khăn, vướng mắc, cũng như các nguyên nhân dẫn đến hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan; để dự báo được tình hình trong thời gian tới và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi.

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp;… Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhiều công điện và chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất - tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Mới đây nhất, Thủ tướng đã ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” được tổ chức là một trong những minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực, trách nhiệm của ngành Công Thương nhằm rà soát, đánh giá tình hình xuất khẩu của các ngành hàng trong thời gian qua; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trước mắt cũng như lâu dài của Hiệp hội, doanh nghiệp trong sản xuất và xuất nhập khẩu; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng quán triệt, yêu cầu các báo cáo và ý kiến ngắn gọn, trực diện, đi thẳng vào trọng tâm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, qua đó đề xuất giải pháp.

Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như: Gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối với gói vay này, áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và có đợt này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn Covid-19 vừa rồi.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.

Đông Nghi (t/h)