Kỳ vọng tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đô thị bền vững

Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đô thị hóa và phát triển đô thị là quá trình tất yếu của các quốc gia trong quá trình phát triển, được gắn kết chặt chẽ với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức được tầm quan trọng của đô thị hóa và phát triển đô thị, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu yêu cầu, đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương...; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

hoi-nghi-do-thi-1669789840.jpg
Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 148 của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ.

Một là, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị; cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.

Hai là, về kết cấu hạ tầng đô thị, Nghị quyết 06 xác định mục tiêu tổng quát là “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”, đồng thời cũng yêu cầu “xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số”, “đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp”; “chú trọng ưu tiên quy hoạch hệ thống đường bộ, đường sắt hiện đại, phát triển hệ thống giao thông thủy phù hợp, bảo đảm thông suốt và liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Ba là, bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị; đối với nội dung này, quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết 06 xác định rõ: “Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bố hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.

Bốn là, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hương Lan (t/h)