Học sinh các trường học tại Quảng Bình đi học trở lại sau mưa lũ

Đến ngày 4/11, học sinh của 126 trường học tại Quảng Bình đã đi học trở lại sau thời gian nghỉ do ảnh hưởng của bão số 6 gây ngập lụt.
thay-tro-vuc-day-sau-lu-2-1730707790.jpg
Nhiều trường học tại Quảng Bình bị ngập sâu do mưa lũ trong những ngày cuối tháng 10/2024.

Đợt lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục tại tỉnh Quảng Bình. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, tại địa phương có 64 trường, điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có đến 420 phòng học bị ngập trong nước. Tổng trị giá thiệt hại trên 6,7 tỷ đồng.

Còn tại huyện Quảng Ninh, trong đợt lũ vừa qua, có 29 trường học bị ngập lụt từ 0,3 đến 1,6m; nhiều điểm trường bị chia cắt. 324 phòng học, phòng chức năng bị ngập lụt. Tổng giá trị thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của ngành Giáo dục huyện Quảng Ninh hơn 6,1 tỉ đồng.

Ngay khi nước lũ bắt đầu rút, ước rút cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh cùng sự hỗ trợ của lực lượng Quân đội, Công an, đoàn Thanh niên… đã chủ động dọn vệ sinh trường lớp để sớm đón học sinh trở lại.

464288912-859173526404456-5620572170219236847-n-1730707878.jpg
Đến chiều 3/11, các trường học bị ngập lụt đã được dọn dẹp sạch sẽ để đón học sinh trở lại học tập.

Đến chiều 3/11, tất cả các đơn vị trường học bị ảnh hưởng mưa lũ đã hoàn thành việc dọn vệ sinh, rà soát lại các điều kiện an toàn để tổ chức dạy học bình thường. Đến sáng 4/11, 126 trường học bị ảnh hưởng mưa lũ đã tổ chức dạy học bình thường.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 3 - 5/11 khu vực tỉnh Quảng Bình vẫn có khả năng mưa to, đề phòng ngập úng các vùng trũng, thấp, ven sông, các khu đô thị.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc sở; các phòng GD&ĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

hoc-sinh-vung-lu-tro-lai-truong-hoc-1730707665.jpg

Tại các trường học, ngay sau khi nước rút, cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng sự hỗ trợ của lực lượng Quân đội, Công an, đoàn viên thanh niên đã dọn dẹp trường học.

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ bản tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ để kịp thời thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên biết, chủ động phòng tránh.

Tùy theo diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, Hiệu trưởng, Giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở; Trưởng phòng GD&ĐT, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố chủ động cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại khi đảm bảo an toàn.

Các đơn vị, cơ sở giáo dục phân công người trực 24/24 giờ, bố trí đủ lực lượng để triển khai hiệu quả phương án phòng, chống lũ lụt, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” tuyệt đối không chủ quan, lơ là; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

hoc-sinh-vung-lu-tro-lai-trong-hoc-1-1730707665.jpg
Không khí lao động khẩn trương để sớm nhất đón các em trở lại trường học.

Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn cần chủ động di dời thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.

Chủ động chỉ huy lực lượng tại chỗ, phối hợp với với các lực lượng, đoàn thể, cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức làm vệ sinh trường học ngay khi nước rút với tinh thần nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó; hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đề phòng các loại dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt và chỉ triển khai hoạt động dạy, học tại trường khi đảm bảo an toàn./.

Nguyễn Duyên