Tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 73/129 xã, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn khu vực III thuộc Chương trình dân tộc thiểu số và Miền núi. Có 21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 54 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết quả thực hiện các nội dung thành phần cụ thể như sau: Nội dung thành phần số 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá: Đến nay, toàn tỉnh đã có 129/129 xã đạt 100% số xã đạt tiêu chí số 1 về Quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới.
Nội dung thành phần số 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền: Đã có 85/129 xã đạt tiêu chí số 2 về Giao thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; 129/129 xã đạt tiêu chí số 3 về Thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; 129/129 xã đạt tiêu chí số 4 về Điện có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt…tại các địa phương; 84/129 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về Trường học và 127/129 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo; 109/129 xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hoá; 128/129 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 104/129 xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế; có 129/129 xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông; có 86/129 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm.
Nội dung thành phần số 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, trong đó tập trung vào các nội dung: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hộ. Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững; phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hoá hệ thống kênh phân phối, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn, giúp nâng cao kiến thức, tay nghề, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Năm 2022 đã tổ chức đào tạo cho 4.330 lượt người các nghề cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh đã có 80/129 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; 117/129 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động; 110/129 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Nội dung thành phần số 04: Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã có 103/129 xã đạt tiêu chí số 9 về Nhà ở dân cư.
Nội dung thành phần số 05: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Kết quả đến nay đã duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1; từng bước nâng cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2. Nâng cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2 cho người lớn trong độ tuổi 15-60 tuổi. Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Nội dung thành phần số 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 117/129 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Nội dung thành phần số 07: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Các địa phương đã xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện, tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn các địa phương đảm bảo theo quy định. Thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải. Cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên…
Nội dung thành phần số 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đến tháng 9/2022 toàn tỉnh đã có 129/129 xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông và 125/129 xã đạt tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Nội dung thành phần số 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Trong năm, các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, giúp nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế; triển khai hiệu quả Chương trình trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng NTM…
Nội dung thành phần số 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; đồng thời phải sẵn sàng các phương án để đối phó kịp thời và hiệu quả khi xảy ra tình huống phức tạp theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự... Xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, hoàn thành các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng được giao. Đến nay toàn tỉnh đã có 107/129 xã đạt tiêu chí số 19 về Quốc phòng và an ninh thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Nội dung thành phần số 11: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2022 đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 929 lượt người./.