Hoà Bình: Giữ gìn giống đào bản địa nơi vùng cao

Nhiều năm qua, các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh Hòa Bình như: Mai Châu, Lạc Sơn, Đà Bắc... đã tận dụng thổ nhưỡng khí hậu mát mẻ để nhân giống trồng đào rừng. Đào được trồng quanh nhà, trên rẫy, không chỉ là một nét văn hóa, làm đẹp bản làng, cây đào giờ đây còn mang lại giá trị kinh tế, góp phần đem đến cái Tết no đủ cho nhiều người dân vùng cao.

Có mặt tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chúng tôi bắt gặp những thung lũng hoa đào bát ngát đang chúm chím khoe sắc hồng nhạt, những chồi non xanh mơn mởn, biểu tượng cho sự sống đón chào năm mới. Anh Hoàng Minh Thắm, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn người trồng đào hơn 10 năm nay, tâm sự: "Từ sự đam mê, tôi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật đã cấy ghép được 3 loại đào từ giống bản địa gồm: Đào phai, bích đào, đào trắng. Hiện gia đình có khoảng hơn 200 gốc đào uốn thế, 200 gốc đào bản địa, trên diện tích hơn 3.000 m2, hàng năm cho thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng". 

hoa-binh1-100122-1641790642.jpeg
Anh Hoàng Minh Thắm, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, uốn cành tạo dáng cho cây đào. 

Anh Thắm chia sẻ thêm: "Những năm gần đây, các thương lái ở thành phố Hòa Bình và vùng xuôi họ thường tìm hiểu, đặt hàng qua phương tiện công nghệ như: Zalo, Facebook nên việc mua bán rất dễ dàng, thuận lợi. Ngoài ra, các cơ quan, công ty mua đào quen biết nhiều năm qua, họ cũng đặt đơn hàng trước, mỗi cây đào được thuê có giá trên 10 triệu đồng, khi chơi xong Tết họ lại gửi lại nhà vườn chăm sóc".

Anh Trần Hồng Hà, Thị trấn Đà Bắc cũng cho biết, gia đình hiện có 300 gốc đào, cho thu nhập ổn định hàng năm hơn 100 triệu đồng. Trồng đào đòi hỏi cần có sự đam mê, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc khoa học... Để giữ gìn các giống đào bản địa không bị mất đi, anh Hà đã thu gom nhiều gốc đào lâu năm từ các hộ gia đình trong khu vực, các cây còn khỏe mạnh ra hoa đẹp thì giữ lại, còn các gốc đào sinh trưởng kém, anh Hà đã chăm sóc phục hồi, cấy ghép các loại đào khác để bán ra thị trường. 

hoa-binh4-100122-1641790642.jpeg
Người dân xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, cắt tỉa cây đào cổ, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. 

Cây đào về lâm sinh có thể giữ đất, giữ nước giữ cho màu xanh của rừng, anh Bùi Tiến Dũng, cán bộ nông nghiệp xã Toàn Sơn (Đà Bắc) cho biết, người trồng đào giờ đây có thu nhập kinh tế có giá trị hơn so với trồng các loại cây như: Ngô, khoai, sắn... nên xã khuyến khích các hộ gia đình trồng loại cây này tại những nơi khó canh tác, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa nâng cao được thu nhập kinh tế. Hiện toàn xã có hơn 4ha trồng đào, với 10 nhà vườn trồng đào quy mô, ngoài ra còn rất nhiều hộ gia đình trồng nhỏ lẻ khác. 

Anh Dũng cũng cho biết thêm, xã cũng thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến các hộ dân buôn bán đào phải tuân thủ việc bảo vệ rừng, môi trường... đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là việc phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm giao dịch mua bán đào. 

vna-potal-nguoi-dan-vung-cao-hoa-binh-giu-gin-giong-dao-ban-dia-tao-thu-nhap-moi-dip-tet-den-xuan-ve-5861713-1641790642.jpeg
Vườn đào của hộ gia đình anh Hoàng Minh Thắm, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, cho thu nhập bình quân hàng năm 200-300 triệu đồng. 

Ông Bùi Khắc Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết, người dân trồng đào tại địa phương đã có những cam kết việc không dùng hóa chất chăm sóc đào, đảm bảo việc bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, phát triển diện tích trồng đào theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Đến nay, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu chính đáng, có thu nhập kinh tế ổn định, thoát nghèo bền vững.

Dọc theo con đường tỉnh lộ 433 quanh co theo các triền núi từ huyện Đà Bắc đi thành phố Hòa Bình, những cây đào to đẹp liên tục được chuyển xuống mang theo không khí Tết về xuôi, góp phần làm cho cái Tết của người dân vùng cao đây đủ đầy, ấm áp hơn./.