Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp không phải đăng ký hộ kinh doanh

Nghe đọc bài
0:00
  • Giọng mặc định
Dự thảo nghị định về đăng ký doanh nghiệp đã có thêm những nội dung mới liên quan tới hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp là một trong những đối tượng không cần phải đăng ký hộ kinh doanh.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định đăng ký doanh nghiệp, trong đó có các quy định về hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh. Đây là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ với Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. 

Nghị định 01/2021/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi nghị định mới, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan tới hộ kinh doanh. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất miễn đăng ký hộ kinh doanh đối với một số đối tượng. 

Cụ thể, các trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh gồm: hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối; hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ như bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến; hoạt động kinh doanh lưu đoạn, thời vụ; người làm dịch vụ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ không được áp dụng quy định này.

Dự thảo lần này cũng có thêm các nội dung về phân quyền quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương cho UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương. 

ho-gia-dinh-san-xuat-nong-nghiep.jpg
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối thuộc đối tượng không phải đăng ký hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, đối với các hộ kinh doanh, khi đăng ký phải có cụm từ “Hộ kinh doanh” kèm tên riêng, không được sử dụng những từ ngữ gây hiểu lầm như “công ty”, “tổng công ty”, “tập đoàn”, “doanh nghiệp”. Đồng thời, nghị định cũng cấm sử dụng các từ ngữ vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa, đạo đức và không đăng ký trùng tên với hộ kinh doanh khác trong cùng phạm vi xã, phường, đặc khu. 

Theo kế hoạch, nghị định mới sẽ được ban hành và có hiệu lực cùng lúc với Luật Doanh nghiệp sửa đổi để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật. 

Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi liên quan tới hộ kinh doanh, đã có một số trường hợp hàng quán đặt biển thông báo chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản để “né” thuế. Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan thuế đã có thư ngỏ kêu gọi các hộ, cá nhân kinh doanh tỉnh táo, tìm hiểu quy định pháp luật, không nghe và làm theo những hành vi trái pháp luật.

Cơ quan thuế cũng sẵn sàng hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi, phát triển lên doanh nghiệp để được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư kinh doanh và thuế theo Nghị quyết số 198 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Cả nước hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giúp đóng góp gần 30% GDP và tạo việc làm cho hàng chục triệu người lao động. Nắm giữ vai trò là lực lượng kinh tế quan trọng, song hộ kinh doanh vẫn đang chịu nhiều hạn chế về pháp lý và tiếp cận chính sách. 

Báo các từ ngành thuế cho thấy, có khoảng 37 nghìn hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, có khả năng phát triển thành doanh nghiệp. Các chuyên gia kỳ vọng, việc hoàn thiện hàng lang pháp lý cho hộ kinh doanh sẽ tạo nền tảng thúc đẩy khu vực này phát triển minh bạch, bền vững hơn trong thời gian tới./.

Nguyên Anh