Hiệp định thương mại song phương với Israel sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu

Việc ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Israel hôm 25/7, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
thuy-san-3-1693498214.jpg
Thủy sản nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Israel. Ảnh minh họa

HIệp định thương mại song phương Việt Nam và Israel (VIFTA) là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực, được kỳ vọng làm nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều và trở thành đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ.

Theo Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao), tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Israel tăng nhanh chóng từ 222 triệu USD năm 2010 lên đến 2,2 tỷ USD năm 2022. Hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau.

Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại.

Bên cạnh đó, việc ký kết VIFTA vào ngày 25/7/2023 vừa qua sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. VIFTA không chỉ làm tăng triển vọng tăng trưởng hơn nữa trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, dịch vụ, khoa học và công nghệ và lao động giữa hai nước, mà còn tạo cơ hội vừa mở rộng cánh cửa thị trường Israel cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và vừa kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên quá lạc quan bởi bên cạnh những cơ hội là thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần nhận diện và tập trung vào các trọng điểm hợp tác. Cụ thể, khi VIFTA có hiệu lực vào năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng công nghệ cao của Israel xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp từ Israel có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam khi mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, không đủ sức để thay đổi công nghệ trong một sớm một chiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI từ Isarel có công nghệ sản xuất tiên tiến từ lâu đời, nguồn vốn lớn, tập trung đầu tư cho công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất và quy trình.

Ngoài ra, còn các nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại, về nhận diện thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động, an toàn thực phẩm…

Để có thể mở rộng thị trường tại Isarel, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này. Trong đó, chứng nhận KOSHER có thể coi là một chìa khóa để mở cửa thị trường Israel.

KOSHER là chứng nhận cho thực phẩm và sản phẩm nhằm xác định sản phẩm phù hợp với luật ăn kiêng của người Do Thái. Mỗi thành phần, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn KOSHER.

Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu sâu về những chuẩn mực của thị trường Do Thái, xây dựng các tổ chức cấp chứng chỉ KOSHER có giá trị quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đông Nghi