Hiến đất mở đường – Chung tay kiến tạo Nông thôn mới ở xứ Thanh

Phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa không chỉ là những con số ấn tượng mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân và chính quyền trong hành trình kiến thiết quê hương.
nong-thon-moi-1-1738849841.jpg
Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Khi ý Đảng hợp với lòng dân

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm từ chính quyền đến người dân. Tại Thanh Hóa, chương trình này đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phong trào hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng được xem là một điểm sáng, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng.

Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, phá dỡ tường rào, công trình phụ để mở rộng đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như tại huyện Triệu Sơn, nhờ sự đồng thuận cao, người dân đã hiến hơn 60 ha đất, góp phần quan trọng trong việc mở rộng đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Văn Hòa, một hộ dân tại xã Dân Lực, chia sẻ: “Trước đây, đường làng nhỏ hẹp, việc đi lại rất khó khăn. Khi chính quyền vận động hiến đất làm đường, gia đình tôi sẵn sàng hưởng ứng, bởi tôi tin rằng đây là sự đầu tư cho tương lai”.

Không chỉ có Triệu Sơn, nhiều địa phương khác như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn (cũ) cũng ghi nhận hàng nghìn hộ dân sẵn sàng đóng góp đất đai, ngày công lao động để chung tay xây dựng quê hương. Phong trào này không chỉ giúp cải thiện hạ tầng giao thông mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.

nong-thon-moi-2-1738849967.jpg
Xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã trở thành phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Điển hình như hộ ông Lê Quang Hòa, Thôn Thạch Khê Tiên (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) đã hiến 150 m2 đất ở, cùng các công trình: Nhà ở cấp 4, diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo 40m2, 50m tường rào, với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thông. Hay như gia đình ông Phan Xuân Thịnh, thôn 5, xã Đông Minh (Đông Sơn) đã hiến hơn 250m2 đất ở, giá trị trên 2 tỷ đồng, động viên con cháu, người thân trong gia đình hiến đất và các công trình trên đất, góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM kiểu mẫu của thôn và xã…

Thành quả đáng tự hào

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chương trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 376 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 90% tổng số xã trong tỉnh. Trong đó, 123 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Thanh Hóa đã có 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, khẳng định bước tiến vững chắc trong hành trình phát triển nông thôn bền vững.

Bên cạnh việc hoàn thiện tiêu chí về hạ tầng, Thanh Hóa cũng chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai, tạo việc làm ổn định, giúp thu nhập bình quân khu vực nông thôn không ngừng tăng lên. Các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã giúp nhiều địa phương có hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn. Điển hình như mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng nhà lưới ở huyện Nga Sơn, hay mô hình liên kết sản xuất khoai tây ở huyện Hoằng Hóa…

nong-thon-moi-3-1738850027.jpg
Mô hình trồng dưa chuật bao tử ở huyện Hoằng Hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng được chú trọng. Nhiều xã đã xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung, khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Ông Lê Tiến Dũng - UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn gặp một số khó khăn đó về nguồn lực ngân sách, nhiều địa phương không có nguồn thu để xây dựng phương án hỗ trợ cho Nhân dân. Ngoài ra, trên toàn huyện phải di dời 12.000 cây cột điện các loại trên các tuyến đường gây khó khăn cho các địa phương…”.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, phát huy động được sức mạnh toàn dân, những người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững chủ trương, quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích thiết thực, lâu dài sau khi mở rộng đường giao thông nông thôn, các phương án hộ trợ của địa phương. Kiên trì thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ vận động những hộ gia đình đồng thuận cao tuyên truyền vận động những hộ chưa đồng thuận để tạo sự đồng thuận trong khu dân cư. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công cuộc xây dựng NTM, Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với không ít gian nan, thử thách. Đặc biệt, tại các huyện miền núi, việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, dẫn đến khoảng cách vùng miền còn lớn.

Điển hình như huyện Mường Lát, một trong những huyện nghèo nhất cả nước, việc xây dựng NTM gặp muôn vàn khó khăn. Mãi đến năm 2024, huyện mới có xã NTM đầu tiên là xã Mường Chanh. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Chương trình xây dựng NTM tại Thanh Hóa không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn tạo động lực phát triển bền vững, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Thành công này là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần xây dựng Thanh Hóa ngày càng phát triển, văn minh./.

Hà Khải