Hệ thống bán lẻ hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch

Tính đến thời điểm này, hầu hết hệ thống bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị "Sơ kết công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn trong đợt dịch lần thứ 4 năm 2021" do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 12/11.

Cụ thể, từ tháng 10/2021 đến nay, sức mua tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tăng trung bình đạt 20%-25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4. Đặc biệt, có thời điểm sức mua tăng cao hơn 40% so với ngày thường.
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, cùng với cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ đã đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để người người dân yên tâm đồng hành cùng chính quyền thành phố thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả của kênh bán lẻ hiện có, doanh nghiệp bình ổn thị trường đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, liên kết chặt chẽ chuỗi cung ứng và triển khai đạ dạng kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa đến người dân. 
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, trên địa bàn thành phố không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, giá cả và nguồn cung hàng hóa cũng biến động trong biên độ phù hợp quy luật của cơ chế thị trường.

Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, có khoảng 167 trong tổng số 234 chợ truyền thống, 2 trong 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (gồm: Hóc Môn và Bình Điền) đã từng bước hoạt động trở lại. Cùng với đó, có 237 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động theo khung giờ quy định của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh. Tổng lượng hàng hóa từ các điểm bán này cung ứng cho thị trường thành phố dao động từ mức 7.400-8.000 tấn/ngày. 

ttxvncoop-mart-1636734900.jpeg
Hoạt động bán lẻ tại TP.HCM đang hồi phục - Ảnh:Vietnamplus

Dự kiến trong thời gian tới, UBND Tp. Hồ Chí Minh và các sở, ngành sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố; đồng thời, triển khai đa dạng biện pháp giám sát, quản lý và bình ổn thị trường giá cả trên tất cả kênh bán lẻ, phân phối, bán hàng trực tuyến (online)...
Đặc biệt, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Hơn thế nữa, các ngành, các cấp phải phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn rà soát nhu cầu tiêm vaccine và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động, nhất là người lao động từ nhiều địa phương trở lại Tp. Hồ Chí Minh làm việc.
Riêng đối với hoạt động thương mại, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh cần phối hợp liên ngành tổ chức phương án hoạt động trở lại đối với 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, mạng lưới chợ truyền thống trong điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 với lộ trình và phương thức phù hợp. Trong đó, Ban quản lý các chợ kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động; nhất là tổ chức hệ thống logistics nội bộ, áp dụng công nghệ... nhằm giảm lực lượng lao động phục vụ trực tiếp.
Mặt khác, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững trong thời tới; trong đó, tùy diễn biến thực tế thị trường và dịch COVID-19, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai những chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu thị trường tiêu dùng... để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ... phục hồi thị trường.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ... cần khẩn trương tăng tốc sản xuất, kích hoạt phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy với các địa phương trong thời gian qua. Riêng những kênh bán lẻ, phân phối và bán hàng online, các đơn vị tiếp tục giữ vững vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của thành phố trên cơ sở nâng cao năng lực tiếp cận, đa dạng mô hình bán lẻ mới, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh.
Theo bà Phan Thị Thắng, mặc dù dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nên chính quyền Tp. Hồ Chí Minh thận trọng trong chiến lược khôi phục hoạt động kinh tế, đảm bảo an toàn, cũng như thích ứng linh hoạt với dịch. Vì vậy, các sở, ngành và UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện nghiên cứu, xây dựng những kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch để điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp; trong đó chú trọng tham mưu, góp phần phục hồi kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025.
Điển hình, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án "Phát triển hệ thống chợ đầu mối tại thành phố thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số nền kinh tế". Ngoài ra, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện tích cực khảo sát và dự báo tình hình cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố./.