Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Anh Quân - Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng - cho biết trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới tại Hải Phòng, vốn đăng ký trung bình một doanh nghiệp đạt trên 8 tỉ đồng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2023, tại Hải Phòng có 26.535 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 25.734 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (chiếm 96,98%); 73 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 0,28%) và 769 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 2,74%).
Đến nay, doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh từ công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ.
"Doanh nghiệp tư nhân những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong GRDP chung, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Sự phát triển của kinh tế tư nhân chính là động lực, nền tảng quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế của thành phố" - ông Quân cho hay.
Theo cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm 34,63% GRDP toàn thành phố, đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 886 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 767.000 tỷ đồng, trong đó có 673 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, chiếm 76% tổng số dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 458.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng số vốn đầu tư. Có 213 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, chiếm 24% tổng số dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 309.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số vốn đầu tư. Tính riêng trong 7 tháng năm 2023, Thành phố đã thu hút được 81.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
Tại buổi đối thoại, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tập trung vào 10 nhóm vấn đề liên quan khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học công nghệ; vấn đề về đất đai, quy hoạch, xây dựng; vấn đề về dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng; vấn đề về thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, vốn vay,...
Trên cơ sở phân tích tình hình doanh nghiệp khu vực tư nhân nói chung và doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng, UBND TP. Hải Phòng định hướng 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường nội lực của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đó là: Hoàn thiện và ban hành sớm các chính sách, quy định tại Thành phố; Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; Doanh nghiệp phát huy năng lực tự lực, tự cường.
Trong khuôn khổ buổi đối thoại, lãnh đạo Thành phố cũng cam kết, sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh. Với một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới là: Đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính; Ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đáp ứng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối; Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển hạ tầng số dùng chung, xây dựng nền tảng số dùng chung của thành phố.