Năm Thìn nhớ vần thơ Bác lắng hồn núi sông

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng suốt 22 xuân truyền thống của dân tộc - kể từ năm 1947 đến năm 1969, mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường có thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước.
chan-dung-bac-ho-1-1707049344.jpg
Dù bận trăm công nghìn việc nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường có thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. (Ảnh sưu tầm)

Đây vừa là lời kêu gọi, động viên, khích lệ tinh thần đồng bào cả nước cùng kiều bào ta ở nước ngoài cùng cố gắng, ra sức thi đua lao động sản xuất, chiến đấu, vừa là mừng xuân mới. Cứ đến thời khắc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng đêm giao thừa, mỗi người dân đất Việt lại chăm chú nghe lời thông báo của phát thanh viên đài Tiếng nói Việt Nam: “Trân trọng mời đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài lắng nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Giọng nói của Bác Hồ ấm áp và gần gũi biết bao!

Những vần thơ giản dị như đang truyền đến toàn dân sức sống, lòng tin và niềm vui của mùa xuân Nhâm Thìn (năm 1952): “Xuân này, Xuân năm Thìn/Kháng chiến vừa sáu năm/Trường kỳ và gian khổ/Chiến thắng trăm phần trăm/Chiến sĩ thi giết giặc/Đồng bào thi tăng gia/Năm mới thi đua mới/Thắng lợi ắt về ta/Mấy câu thành thật nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”(1).

Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước đã trải qua được sáu năm gian khổ và đã thu được nhiều thắng lợi to lớn. Với hai chiến dịch Hòa Bình (mùa Xuân), Tây Bắc (mùa Đông), quân ta áp đảo quân Pháp, giữ vững và phát triển mạnh thế chủ động chiến lược. Bác Hồ với vai trò một vị tổng chỉ huy tối cao đã thấy trước cuộc chiến sẽ trăm phần trăm thắng lợi. Bác đã hô hào đồng bào và chiến sĩ hãy tích cực thi đua nhiều hơn nữa, mỗi người làm tròn nhiệm vụ của mình để góp phần vẻ vang trong cuộc đại thắng của dân tộc.

Năm 1952 là năm khởi đầu cho giai đoạn chuyển tiếp chiến lược, chuẩn bị cho công cuộc “tổng phản công” trên khắp các mặt trận. Toàn quân và toàn dân dốc sức tổng lực hướng về tiền tuyến, mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 chấn động địa cầu, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước Việt Nam, mở ra phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới.

Xuân Giáp Thìn (năm 1964): Sau vòng quay tuần hoàn của 12 con giáp, Xuân Giáp Thìn là thời điểm năm thứ tư của thời kỳ miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Cách mạng nước ta có nhiệm vụ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phải chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam. Thư chúc Tết năm 1964 của Bác Hồ nhắn gởi nhân dân như sau: “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”. Xuân Giáp Thìn 1964, Hồ Chí Minh (2).

Vui Xuân, nhưng Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng để thực hiện thành công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất nước nhà. Bắc Nam sum họp là ước nguyện của cả dân tộc. Ước nguyện của người cha già dân tộc, của cả đất nước sau 21 năm đã thành hiện thực.

Ngày nay, cả dân tộc ta đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn phấn đấu đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Chúng ta cùng tin tưởng rằng, với những phẩm chất quý báu, với truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, chúng ta sẽ làm tốt những gì mà sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, tr. 390.

(2) Sách đã dẫn, tập 11, tr.187.

Hoài Linh (ST)