Hà Tĩnh: Vụ gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ, sẽ quyết xử lý nghiêm

Liên quan đến vụ việc gỗ rừng tự nhiên trong khu vực rừng được giao cho hộ để chăm sóc và bảo vệ tại xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng bị chặt hạ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho hay sẽ kiên quyết, xử lý nghiêm vụ việc trong tháng 1/2023.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Quang Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Sau khi nhận được thông tin, chi cục cũng đã nhận được báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn. Chi cục đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc.

z3990731460956-3e0435c5b8a4e613bec2528203018943-1-1673569207.jpg

Kiểm lâm huyện Hương Sơn kiểm đếm số cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ. Ảnh: N. Duyên.

Theo báo cáo số 120/BC-KL ngày 26/12/2022 của Hạt Kiểm Lâm Hương Sơn: Tại hiện trường, phần lớn các loài cây thân gỗ bị chặt hạ, phần thân cây đã bị cặt ngắn thành nhiều khúc, đa phần dưới 1.3 mét, tập kết thành 3 điểm chính, phía dưới lô rừng bị khai thác, trên hiện trường thân gỗ vẫn còn ngổn ngang gần các gốc chặt. Gốc, nhánh, cành vẫn còn tươi, lá vẫn còn xanh. Trên diện tích bị khai thác vẫn còn nhiều cây gỗ không bị tác động phân bố rải rác, tác động bình thường. Diện tích bị tác động là 0,66 ha.

Về phần lâm sản bị chặt phá: Có 172 gốc chặt đường kính trung bình 22,33cm, chiều cao gốc chặt bình quân: 27,40cm; tại hiện trường và các điểm tập kết đo đếm được 212 lóng gỗ tròn nhóm loài thông thường từ N2-8; Khối lượng 11.232m3. Về loại rừng: Theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng thì khu vực rừng bị khai thác thuộc rừng tự nhiên, quy hoạch sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo.

z3971252948568-670a4975a48c68b8b3e66f88b65164ee-1673569285.jpg
Theo báo cáo của hạt Kiểm lâm Hương Sơn, gỗ được chặt thành khúc 1.3m. Ảnh; N. Duyên.

Cũng theo báo cáo, Ông Sơn là chủ rừng khu vực nói trên, khu vực sẻ phát gần với rừng keo của gia đình ông Sơn. Tháng 09/2022, ông Sơn bán keo cho bà Nguyễn Thị Tuyết (chị vợ ông Sơn) để khai thác với số tiền 50 triệu đồng. Tháng 12/2022, Bà Tuyết đưa nhân công vào khai thác keo. Trong quá trình khai thác keo, bà Tuyết đã cho người khai thác thêm cây gỗ lân cận để tận dụng thêm.

Ngày 06/1/2023, trao đổi với phóng viên, ông Trương Quốc Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo Hạt kiểm lâm Hương Sơn vào cuộc làm rõ. Hiện tại, chúng tôi đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cho cơ quan công an và Viện Kiểm sát để phối hợp điều tra làm rõ. Đây là hành vi cố tình chặt phá cây rừng tự nhiên. Vụ việc này, theo khung quy định đã qua ngưỡng xử lý hình sự, nhưng còn chờ bên cơ quan công an xác minh xem thử ngưỡng này như thế nào. Những vụ này thì không có việc bao che gì cả mà phải xử lý nghiêm và sẽ xử lý trong tháng này.

z3990729053809-1c065a94b0531214d3f36f1151e384d0-2-1673569362.jpg

Gỗ rừng sau khi bị chặt hạ được ngụy trang dưới lớp lá cây. Ảnh: N. Duyên.

Như Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã phản ánh về việc việc một số cây gỗ rừng tự nhiên tại thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã bị đốn hạ.

Phần diện tích rừng tự nhiên bị chặt hạ trên là của ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Thuộc thửa 83, khoảnh 6, tiểu khu 51, tờ bản đồ số 1, giao đất năm 2009.

Với diện tích 214.482m2, mục đích sử dụng đất: Đất trồng rừng sản xuất 94,549m2, đất khoanh nuôi rừng tự nhiên sản xuất là: 119,933m2. Thời hạn sử dụng đến 16/4/2060. Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

z3990732690600-44a09c2511fba011964c230e629add45-1-1673569434.jpg

Hơn 172 gốc cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ. Ảnh: N. Duyên.

Những cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ có đường vanh từ 50 đến 110, gồm các loại: Dẻ, Cồng, chay, hoàn linh, ngát….

Sau khi chặt hạ, gỗ được cắt thành khúc có chiều dài từ 2 - 4m, những gốc cây được dùng lá cây che lại để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

PV