Để tưởng nhớ công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi trong việc đánh giặc, dẹp loạn, giữ yên bờ cõi cho đất nước, hàng năm, 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà đã phối hợp tổ chức Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống giàu bản sắc văn hóa.
Tham dự lễ hội có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân dân 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà cùng hàng nghìn du khách thập phương về dâng hương, dự lễ.
Ghi nhận sáng ngày 19/6, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về đây để chiêm ngưỡng nghi lễ rước linh vị Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng đường thủy, đường bộ. Tại các xã của huyện Thạch Hà như Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, người dân thành lập các Ban nghi lễ rước linh vị với nghi lễ đặc biệt vòng qua núi Nam Giới đến đền Lê Khôi. Tại huyện Lộc Hà, người dân xã Mai Phụ, Thạch Kim, Thạch Bằng rước linh vị bằng kiệu, lọng với hàng trăm chiếc thuyền, cờ hoa được hóa trang thành những binh đoàn hướng về đền Lê Khôi.
Chiều cùng ngày, sau phần rước linh vị về đền chính, lãnh đạo 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà tổ chức nghi lễ tôn nghiêm, trang trọng tại đền thờ để báo công với Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi và cầu cho nhân dân trong vùng có cuộc sống ấm no, thời tiết mưa thuận gió hòa, người dân vùng biển đi khơi, vào lộng (vào bờ) an toàn...
Năm nay, ngoài phần lễ bao gồm Lễ rước kiệu, linh vị, đồ tế khí và Lễ tế được thực hiện theo nghi thức truyền thống thì phần hội được tổ chức sôi nổi với giải bóng chuyền nam cán bộ, công chức huyện Thạch Hà năm 2023 thu hút đông đảo vận động viên, cổ động viên, nhân dân các địa phương và du khách tham gia, cổ vũ.
Về danh tướng Lê Khôi, ông sinh ra ở xã Lam Sơn, Thụy Nguyên (Thanh Hóa), là con thứ của vua Lê Thái Tổ. Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Ông làm quan trải qua 3 đời vua là Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông với nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ vương triều nhà Lê. Năm 1446, Lê Khôi phụng mệnh của vua Nhân Tông cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trên đường trở về, ông bị bệnh nặng và qua đời ở chân núi Long Ngâm, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà vua cho lập đền thờ. Nhân dân địa phương thương tiếc và kính trọng ông, hàng năm đều tổ chức Lễ hội đền Chiêu Trưng vào ngày giỗ của ông.
Được biết, năm 2017, lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội mang đậm màu sắc tín ngưỡng của người dân miền biển được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày mất của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Bá Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nhấn mạnh, Lễ hội cùng là cơ hội để địa phương quảng bá, xúc tiến du lịch. Huyện và các khu du lịch như Khu di tích đền Lê Khôi, Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên, bãi tắm Thạch Hải, tạo chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao, với quy mô không gian du lịch mở, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Bên cạnh đó, huyện Lộc Hà đã tập trung đầu tư phát triển du lịch vùng biển kết nối khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Sót với biển Lộc Hà và đền Lê Khôi, tạo nên một không gian du lịch thu hút đông đảo du khách.
Với công tác chuẩn bị và tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn, ý nghĩa, Lễ hội đền Lê Khôi năm nay đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách gần xa. Qua đó, khai thác được nhiều yếu tố văn hoá truyền thống mang đậm phong tục, đặc điểm của dân cư vùng biển, thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh. Thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, một vị tướng tài ba của dân tộc, người có công lớn giúp vua Lê đánh giặc giữ nước.
Thông qua hoạt động lễ hội để tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Qua đó, góp phần duy trì lễ hội truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tiếp tục củng cố khối đoàn kết thống nhất của nhân dân trong vùng.