Được thuần hóa từ thế kỷ 18, tuy nhiên trước đây, hươu là vật nuôi “quý tộc” cả các gia đình khá giả. Nhưng từ những năm 1990 đến nay, hươu được nuôi phổ biến, và ngày càng được nhân rộng, trở thành vật nuôi chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo của nhiều hộ dân huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ trước đến nay, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 "lứa" nhung, nhưng giờ đây, họ đã có cách chăm sóc hươu để thu được 2 "lứa" nhung hươu/năm.
Theo người dân nơi đây, để cắt được cặp nhung trên đầu hươu, thường có 6 - 7 người khỏe mạnh cùng khống chế hươu. Việc khống chế và cố định hươu phải nhanh và đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Đây là công đoạn khó nhất vì hươu là loài vật rất nhanh nhẹn, bộ móng guốc rất sắc. Nếu không phối hợp nhịp nhàng sẽ làm gãy chân hươu hoặc bị hươu đạp vỡ bụng, rách mặt. Để tránh hươu quật trong quá trình cắt nhung, người thợ còn sử dụng bộ khóa mõm tự chế để giữ chặt đầu hươu. Khi con hươu đã được giữ chặt, người thợ dùng lưỡi cưa sắc bén cắt nhung.
Để hỗ trợ bà con trong phát triển chăn nuôi, giảm chi phí, đảm bảo sức khỏe cho con người và vật nuôi trong việc cắt nhung mà vẫn đảm bảo chất lượng của nhung, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền cắt lộc nhung hươu bằng phương pháp gây mê không gây đau.
Tại Hội nghị, các đại biểu và người chăn nuôi hươu đã được TS. Hạ Thuý Hạnh - Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Bảo vệ Động vật Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giới thiệu về quy trình chăn nuôi hươu an toàn sinh học. Theo TS. Hạnh, trong chăn nuôi hươu, bà con cần quan tâm phòng bệnh là chính, cách ly tốt, hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào khu chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tốt, chăm sóc hươu đúng kỹ thuật, giúp hươu khỏe mạnh, ít bệnh xảy ra. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tốt nhất.
Đặc biệt, tại đây, các đại biểu và những người nuôi hươu đã được các chuyên gia hướng dẫn cụ thể kỹ thuật cắt nhung hươu thông qua thực hành tại hiện trường. Qua đó, bà con nắm vững được cách xách định khối lượng hươu để sử dụng liều lượng thuốc gây mê phù hợp, các thao tác gây mê, kỹ thuật cắt nhung làm sao để cho con vật không đau đớn và chảy máu quá nhiều, cách băng bó vết thương và các biện pháp chăm sóc dinh dưỡng sau khi cắt để đảm bảo cho hươu sinh trưởng tốt nhất, phục vụ cho việc khai thác lâu dài.
Theo hướng dẫn, các bước cắt nhung hươu theo phương pháp gây mê gồm:
Bước 1: Chuyên gia thổi thuốc gây mê trước khi cắt nhung
Bước 2: Hươu đã được gây mê
Bước 3: Tiến hành cắt nhung hươu sau khi gây mê
Bước 4: Băng bó vết cắt
Bước 5: Hươu tỉnh lại và khỏe mạnh bình thường sau khi cắt 30 phút
Bước 6: Sản phẩm nhung hươu sau khi cắt xong.
So với cách chăn nuôi và khai thác nhung truyền thống, phương pháp khai thác nhung hươu bằng cách gây mê được xem là biện pháp có nhiều ưu điểm, hạn chế tác động làm tổn thương con vật và an toàn cho con người, sản phẩm nhung hươu sau khi cắt vẫn đảm bảo được chất lượng. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp này sẽ giảm được công sức lao động, chi phí thuê thợ cắt nhung so với cách khai thác truyền thống.
Qua Hội nghị tập huấn này, người dân có cơ hội tiếp cận phương pháp mới khi khai thác nhung hươu, đảm bảo hiệu qủa về chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Thời gian tới, bên cạnh áp dụng quy trình khai thác nhung hươu đúng cách, huyện Hương Sơn tiếp tục khuyến khích bà con nông dân chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn để tạo ra nguồn sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng..
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, huyện Hương Sơn hiện có hơn 9.600 hộ chăn nuôi với khoảng 45.000 con hươu, chiếm hơn 70% tổng đàn hươu của cả nước, với số hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn chiếm hơn 80%. Hằng năm, doanh thu từ nuôi hươu đạt gần 200 tỷ đồng. "Địa phương chúng tôi xác định chăn nuôi là trọng điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nuôi hươu là chủ lực, vì vậy huyện đang có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát triển đàn hươu", ông Nguyễn Kiều Hưng nói.
Nhung hươu Hương Sơn được biết đến là 1 trong 4 vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu.