Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai được khai trương tại cửa hàng số 545, Quốc lộ 21B, thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa.
Từ nhiều năm nay, huyện Thanh Oai đã trở thành vựa lúa, rau, sản phẩm làng nghề nổi tiếng khắp miền Bắc với các thương hiệu như: gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu, cam canh Kim đường; giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, bánh cuốn Thanh Lương, gạo Tam Hưng… Huyện cũng đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng (52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao) trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến người tiêu dùng và du khách đến với xã Bích Hòa nói riêng và huyện Thanh Oai.
Chia sẻ tại Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai), ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, huyện Thanh Oai xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn quan trọng nhằm phát triển nội lực, gia tăng giá trị; là nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
Chương trình OCOP thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn. Thông qua chương trình, người sản xuất nhận thức được tiềm năng của mình, học hỏi được các yêu cầu bắt buộc về sản xuất an toàn, bền vững, từ đó phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và giá trị, mẫu mã sản phẩm.
“Việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Thành phố trên địa bàn huyện Thanh Oai nhằm giới thiệu đến quý khách hàng sản phẩm đặc trưng được kiểm soát và đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như sự bảo đảm của Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường trong và ngoài huyện”, ông Nguyễn Trọng Khiển nhấn mạnh.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thường Tín được tổ chức tại Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) với gần 100 sản phẩm của 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với các mặt hàng rau, củ, quả, thịt lợn, các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ…
Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện Thường Tín hiện có 152 sản phẩm của 17 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh được đánh giá và phân hạng OCOP năm 2019 - 2021, trong đó 140 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao; riêng ngành thực phẩm có 64 sản phẩm đều là những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng… Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của địa phương nhằm giúp các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Thời gian tới, hai Điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về Điểm bán hơn nữa để phục vụ người tiêu dùng. UBND huyện cũng sẽ tiếp tục phát triển các điểm OCOP trên địa bàn để giới thiệu, bán các sản phẩm chất lượng, đặc sắc của địa phương nhằm đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn huyện”, ông Bùi Công Thản cho hay.
Phát biểu tại lễ khai trương 2 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 2 huyện Thanh Oai và Thường Tín, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về triển khai Chương trình OCOP đến năm 2025; Kế hoạch của UBND Thành phố phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản, sản phẩm các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội; thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố phục vụ người tiêu dùng.
Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Oai, Thường Tín và thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP, các làng nghề tại huyện Thanh Oai, Thường Tín tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công Thương cùng các Sở, ngành tổ chức, Chương trình luôn ưu tiên cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tham gia để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng mong muốn, UBND huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm, phát triển thêm các Điểm OCOP, đồng thời giao nhiệm vụ các đơn vị vận hành Điểm OCOP đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP của huyện, các địa phương khác của Hà Nội và các tỉnh, Thành phố để Chương trình OCOP được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tại địa phương...
Gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện vận hành, tổ chức các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...