Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội năm 2025. Theo đó, cùng với duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch đó là thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường.
Tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Các doanh nghiệp công nghiệp sẽ được hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp sẽ được tăng cường.
Đồng thời, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý chất thải công nghiệp, khuyến khích tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng chất thải đưa ra môi trường.Việc xây dựng và nâng cấp các hệ thống xử lý chất thải hiện đại sẽ được ưu tiên.
Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ để thực hiện tốt hơn việc phân loại, xử lý chất thải tại nguồn và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm nước thải. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải sẽ được tăng cường mạnh mẽ, đồng thời, khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến.
Theo kế hoạch khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến mô hình kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn. Tới đây, việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất kinh tế xanh sẽ được đẩy mạnh.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp sẽ được chú trọng triển khai.
Cùng mục tiêu xanh hóa Thủ đô những ngày qua, trên khắp các tuyến phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những công trình xanh đang được xây dựng, những mảng xanh được mở rộng, những chiếc xe buýt điện chạy êm ái trên đường phố. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy thành phố đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố xanh sạch đẹp và văn minh hiện đại.
Thành phố đang đẩy mạnh việc trồng cây xanh, xây dựng công viên, vườn hoa, tạo ra những không gian xanh mát, góp phần cải thiện chất lượng không khí và tạo cảnh quan đô thị đẹp mắt. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều công viên cây xanh, vườn hoa được cải tạo, nâng cấp, mang đến không gian thư giãn cho người dân.
Hà Nội đang khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, xe máy điện, hạn chế phương tiện cá nhân. Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh. Những tuyến xe buýt điện hoạt động, góp phần giảm thiểu khí thải và tiếng ồn. Đẩy mạnh tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải, khuyến khích phân loại rác tại nguồn, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại.
Hành động này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn rác thải. Thành phố đang khuyến khích xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Nhiều tòa nhà cao tầng hiện nay đã được thiết kế với hệ thống năng lượng mặt trời, tường xanh, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon.
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định quản lý bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại. Tham gia đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.
Tuy nhiên, quá trình xanh hóa Thủ đô cũng gặp phải nhiều thách thức như; đầu tư cho các công trình xanh đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Hay việc thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để hướng đến lối sống xanh cần thời gian và sự nỗ lực.
Vì vậy, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trước hết là các cụm công nghiệp sản xuất tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường.
Kế hoạch triển khai bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội không chỉ là một chương trình, mà còn là mục tiêu trong khát vọng hướng đến xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường và thu hút khách du lich. Thành công của kế hoạch này sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Hà Nội đáng sống hơn, một Việt Nam xanh hơn./.