Hà Nam: Doanh nghiệp linh hoạt sản xuất, đảm bảo an toàn cho lao động

Sau Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp; nhiều công nhân mắc bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó để thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

Đầu năm 2022, Công ty TNHH YIC VINA, thuộc Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý đã ký được nhiều đơn hàng may mặc xuất khẩu đi các nước châu Âu. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều công nhân trong công ty bị nhiễm COVID-19 khiến cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động sản xuất. Công ty có 500 công nhân làm việc thường xuyên tại 12 chuyền sản xuất. Nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp chỉ duy trì được hơn 300 công nhân làm việc, do số lao động còn lại là F0, F1 có nguy cơ cao phải nghỉ việc để điều trị và cách ly theo quy định.

Chị Lương Thị Thìn, Nhân viên Phòng Nhân sự Công ty TNHH YIC VINA cho biết, việc thường xuyên thiếu hụt khoảng 30% lao động ảnh hưởng lớn đến các dây chuyền sản xuất. Công ty đã phải đàm phán và đề nghị đối tác đồng ý cho kéo dài thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: tổ chức phun khử khuẩn định kỳ máy móc, trang thiết bị, khu vực nhà xưởng, nhà ăn; yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại nơi ở và nơi sản xuất. Những công nhân là F0 phải khai báo y tế với chính quyền địa phương và thông báo với công đoàn công ty để được hướng dẫn các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Công ty TNHH Yokowo Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên đã có hơn 1.500 công nhân nhiễm COVID-19 phải nghỉ để điều trị, chiếm hơn 40% số công nhân. Công ty cũng đã phải triển khai phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh mới để thích ứng, như tăng thời gian làm việc từ 8 tiếng lên 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đẩy nhanh hơn tiến độ sản xuất; đồng thời nhờ sự trợ giúp của một số nhà máy sản xuất khác của Tập đoàn Yokowo tại Thái Lan, Trung Quốc... để kịp những đơn hàng sắp phải giao. Cùng với đó là tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế các trường hợp công nhân bị mắc mới.

do-1635664156070-16356641565981705073138-1647516762.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ông Bùi Minh Dũng, Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH Yokowo Việt Nam cho biết, chưa bao giờ công ty phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động nghiêm trọng như hiện nay. Một công nhân nghỉ là ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Cùng với việc nỗ lực duy trì, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo trả lương cho người lao động trong những ngày nghỉ việc vì mắc COVID-19; công ty tiếp tục tuyên truyền để công nhân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, tháng 1/2022 các doanh nghiệp chưa hoạt động hết công suất do là tháng cận Tết, hoạt động của doanh nghiệp cũng bị cắt giảm. Đến tháng 2/2022 doanh nghiệp lại gặp phải khó khăn về thiếu hụt lao động do sau kỳ nghỉ Tết, người lao động bị mắc COVID-19 phải nghỉ việc rất lớn dẫn đến doanh nghiệp cũng không thể hoạt động đủ công suất. Tính từ ngày 5/2 đến 15/3, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát sinh thêm hơn 9.000 lao động thuộc đối tượng F0, F1 phải nghỉ điều trị, cách ly theo quy định, chiếm 10,2% tổng số lao động trong toàn khu công nghiệp.

Qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh dẫn đến giảm doanh thu từ 20-30% so với lúc chưa có dịch, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, giảm từ 40-60% doanh thu.

Theo ông Phạm Bá Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, trước tình hình số lao động mắc COVID-19 tăng cao, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sản xuất, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch nhằm hạn chế số ca nhiễm mới; tổ chức xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho công nhân; thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đề nghị tỉnh có các giải pháp cung ứng lao động cho doanh nghiệp như: mở sàn giao dịch việc làm trực tuyến, trực tiếp; tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các tỉnh lân cận, các tỉnh vùng cao trong vấn đề tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp; phối hợp với các trường liên kết việc làm khi tuyển dụng các vị trí phục vụ sản xuất trực tiếp, gián tiếp.

Các trường đào tạo nghề mở rộng các lớp tuyển sinh đào tạo lao động tay nghề cao, đa dạng nhiều ngành nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của các doanh nghiệp... Bảo hiểm xã hội đơn giản hóa thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tổng liên đoàn Việt Nam xem xét miễn, giảm các khoản đóng kinh phí và đoàn phí công đoàn để doanh nghiệp giảm bớt chi phí, tập trung nguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh…/.