Hà Nam chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng vụ Xuân

Ngày 26/11, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Xuân năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

Vụ Xuân năm 2022, tỉnh Hà Nam có kế hoạch gieo trồng hơn 33.200 ha; trong đó, diện tích gieo cấy lúa hơn 29.000 ha, diện tích cây màu, cây khác hơn 4.200 ha. Giá trị sản xuất vụ Xuân năm 2022 phấn đấu đạt 1.391 tỷ đồng.

Với cây lúa xuân, tỉnh Hà Nam bố trí 100% trà xuân muộn; áp dụng các phương thức gieo cấy tùy theo lợi thế của từng vùng, nhằm giảm chi phí về công lao động, giống… nâng cao hiệu quả sản xuất. Cơ cấu giống, tỷ lệ lúa lai khoảng 40-45% diện tích, lúa chất lượng cao 45% và lúa thuần năng suất cao khoảng 10-15%.

img-4471-1-1637917128.jpg
Ảnh minh họa.

Đối với ngô vụ Đông Xuân, tỉnh duy trì và mở rộng diện tích trên vùng đất bãi bồi ven sông với 100% diện tích gieo trồng bằng các giống lai để đạt năng suất cao. Đất chuyển đổi từ chân cấy lúa vụ Xuân thường gặp khó khăn về nước tưới, đất dược mạ mùa gieo trồng bằng các giống ngô nếp gắn với tiêu thụ bắp tươi hoặc phát triển chăn nuôi bò sữa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Riêng với cây màu, cây ăn quả, dược liệu khác, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng lạc bằng kỹ thuật che phủ nylon, sử dụng các giống: L14, L18, L12. Cây đậu tương, đậu xanh trồng trên chân đất màu, đất chuyển đổi và đất mạ mùa.

Cùng đó, tiếp tục triển khai tích cực việc tích tụ ruộng đất, làm thủ tục cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng ngoài hàng rào cho doanh nghiệp vào đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; chuyển đổi diện tích đất 2 vụ lúa thường xuyên khó khăn về nguồn nước tưới sang gieo trồng cây màu có giá trị kinh tế cao như ngô nếp, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ớt… gắn với ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cây ăn quả trồng đảm bảo quy hoạch theo từng vùng phát triển cây trồng lợi thế, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng, để giành thắng lợi toàn diện mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2022, các địa phương cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống; nhân rộng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp bằng những giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon phù hợp chân đất; đặc biệt, trong các cánh đồng mẫu để nâng cao hiệu quả sản xuất; đôn đốc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây màu, cây dược liệu, cây ăn quả hàng năm có giá trị kinh tế.

Đối với diện tích có nguy cơ bỏ ruộng không gieo cấy, tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo, vận động nông dân gieo cấy, chủ động tham mưu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh nhân rộng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hiệu quả đến các hộ nông dân và xây dựng mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, vụ Xuân năm 2021 là vụ Xuân ấm, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành, địa phương tổ chức phân loại các trà gieo cấy, điều tiết nước, tập trung chăm sóc kịp thời cho diện tích lúa và cây màu, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất.

Vụ Xuân 2021 của tỉnh được mùa. Toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.600 ha với 100% diện tích gieo cấy trà lúa xuân muộn. Năng suất lúa đạt 66,9 tạ/ha, cao hơn 0,33 tạ/ha so với vụ Xuân năm 2020, sản lượng đạt hơn 201.000 tấn. Diện tích gieo trồng các cây màu vụ Xuân 2021 đạt 5.300 ha./.