Chiều 25/9, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông tổ chức hội nghị “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” trực tuyến đến các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre và thành phố Cần Thơ.
* Ngành hàng bị tác động lớn
Theo Tổng Cục thủy sản, từ tháng 7 đến nay, ngành hàng cá tra đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Tính đến giữa tháng 9/2021, sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội là tháng 7 và tháng 8 giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với tháng 7 và tháng 8 năm 2020. Đặc biệt, nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.
Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện vẫn duy trì ở mức từ 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu, theo thống kê có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long với khoảng 190 nghìn lao động. Tính đến đầu tháng 9 có 52 máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh này phải tạm dừng hoạt động với số lao động phải nghỉ việc trên 70%. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch công suất chỉ từ 30- 40% so với đầu tháng 7/2021. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng ước đạt 1,054 tỷ USD, bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, do giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy. Các hộ giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay nên có thể sang năm 2022 sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.
Thêm vào đó, cá nguyên liệu vì không thu hoạch kịp dẫn đến quá cỡ, ứ đọng và giảm chất lượng; chi phí đầu vào đều tăng đột biến khiến giá thành nuôi tăng rất cao,…Chi phí tăng cao, năng suất sản xuất giảm mạnh cộng với chi phí cho sản xuất "3 tại chỗ: tăng từ 30-70% là cản trở lớn cho các doanh nghiệp quay lại sản xuất nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
*Khôi phục ngành cá tra
Trước những khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đơn giản hóa thủ tục di chuyển, tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được thuận lợi, tránh tình trạng thiếu cá giống cho phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị các địa phương cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh xây dựng lộ trình chi tiết trong một giai đoạn nhất định với các quy định, chính sách cụ thể để doanh nghiệp chủ động tính toán kế hoạch phục hồi sản xuất. Đồng thời, Chính phủ xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, thuế... để doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững ngành hàng các tháng cuối năm 2021 và năm 2022, cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng của COVID-19, nhất là tăng tiêm vaccine cho người lao động để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường.
Mặt khác, cải thiện chất lượng ngành cá, nhất là cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với cải thiện môi trường; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế bằng hình ảnh, kênh bán hàng mới.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; tập trung phát triển các thị trường có sẵn ở 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean với thị phần chiếm từ 50-60%. Đồng thời, phổ biến và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, “an toàn” và “linh hoạt” là hai yếu tố mang tính sống còn để phục hồi kinh tế hiện nay. Theo đó, bên cạnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, cần linh hoạt các phương thức, quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long làm thành một thực thể kinh tế vùng; trong đó, 8 địa phương có ngành hàng cá tra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần đồng thuận với tư duy liên kết vùng trong điều kiện đặc biệt; kiến tạo không gian kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển chuỗi ngành hàng; phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng cùng nhau kiến tạo giá trị bền vững. Đó là điều cần nhất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sản xuất kinh tế nói chung, ngành hàng cá tra trong giai đoạn tới./.