Giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu trước tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng giả tràn lan

Ngày 20/7/2022, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Thuốc - Thực phẩm chứng năng - giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Hội thảo do Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TP.HCM (ACT-HCM) phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Thọ - Giám đốc ACT-HCM chia sẻ, thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) là 2 loại sản phẩm mà con người đưa trực tiếp vào cơ thể để chữa bệnh và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Chính vì đưa trực tiếp vào cơ thể con người, các loại thực phẩm này phải được kiểm soát một cách chặt chẽ bởi bất cứ hành vi gian lận nào trong lĩnh vực thuốc và TPCN đều ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người.

“Hội thảo nhằm giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và TPCN nắm vững các quy trình đăng kí của doanh nghiệp, sự quản lý của nhà nước và các quy định xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước.” – ông Phạm Văn Thọ cho biết.

3-1658382003.jpg

Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc ACT-HCM tại hội thảo.

Trước những thách thức và rủi ro về vấn nạn thuốc giả, thực phẩm và thực phẩm sức khỏe... hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, người tiêu dùng nhiều khi cũng không nhận thức được và không quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng thuốc và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc kém chất lượng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho rằng, chúng ta chưa thể khẳng định các thực phẩm, hàng chính hãng của nơi sản xuất liệu có bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hay không, bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng những trường hợp hàng hóa làm giả sẽ đi kèm theo hàng kém chất lượng, bởi người ta không có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu, chủ yếu là vì lợi nhuận.

“Thế nên, hàng gian, hàng giả không chỉ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi luôn xác định phải phối hợp với các ngành, các cấp, đặc biệt là Quản lý thị trường trong việc phòng chống hàng gian, hàng giả”, bà Lan khẳng định.

1-1658382003.jpg

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Ở Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh. Sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch SARS-CoV-2, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box..., chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển...

Với hình thức này người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn.

2-1658382003.jpg

Việc giả danh Bác sỹ, dược sỹ để tư vấn qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ...) để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe - nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo...

Tại buổi hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực như: Một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; các bài tham luận về tác hại của thuốc giả, quy trình kiểm tra, xử lý hàng nhái, hàng giả, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào giải pháp an toàn thực phẩm và dược phẩm.

Đại diện Chi nhánh Trung tâm Công nghệ thống hàng giả Việt Nam tại TP.HCM cũng giới thiệu các giải pháp chống giả như: Giải pháp chống giả ACT và giải pháp chống giả Truedata.

Trần Như