Mở cửa sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,65 - 68,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,5 - 68,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 350 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, đêm qua (6/7), giá vàng thế giới có khi từ 1.770 USD/ounce lao xuống 1.730 USD/ounce - mức thấp nhất trong hơn 9 tháng qua. Đến 8h sáng 7/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.741 USD/ounce, giảm 29 USD/ounce so với cùng thời điểm ngày 6/7.
Giá vàng thế giới lao dốc trong bối cảnh đồng USD không ngừng tăng cao, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục tăng vượt mức 107, mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.
Thêm vào đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt tay vào một lộ trình thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, giới đầu tư đổ xô vào đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, giá dầu - mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng giảm tiếp về ngưỡng 100 USD/thùng do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Điều này cũng tác động mạnh lên thị trường kim loại quý.
Dự báo giá vàng
Về ngắn hạn, vàng chịu áp lực từ hoạt động bán khống khi xu hướng giảm trở nên rõ hơn sau cú giảm sốc 2 phiên qua.
USD có xu hướng mạnh lên theo kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng gây áp lực lên vàng.
Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy có dấu hiệu tăng. Nhiều tay mua lớn trên thị trường, trong đó có ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đã vào cuộc.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước trên thế giới mua 35 tấn vàng đưa vào kho dự trữ ngoại hối trong tháng 5 vừa qua, sau khi đã mua 19,4 tấn trong tháng 4.