Giá tiêu tăng kỷ lục doanh nghiệp tăng mua, nông dân kỳ vọng đà tăng kéo dài

Sau thời gian trầm lắng, thời gian gần đây, giá tiêu tăng liên tục. Tới thời điểm này, giá hồ tiêu dao động từ 93 đến 95 triệu đồng/tấn, là mức giá cao nhất từ 2016 trở lại đây. Nhiều ý kiến cho rằng giá tiêu tăng do thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua. Nông dân phấn khởi thu hoạch hồ tiêu và kỳ vọng đà tăng sẽ được duy trì.
gia-tieu-tang-ky-luc-02-1710205708.jpg
Giá hồ tiêu dao động từ 93 đến 95 triệu đồng/tấn, mức cao nhất từ 2016 trở lại đây. (Ảnh minh họa)

Giá tiêu tăng lập đỉnh mới

Tỉnh Gia Lai có 8.800 ha hồ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh, sản lượng vụ này ước khoảng 30.000 tấn. Sau nhiều năm mức giá “nhảy múa”, khiến nông dân khóc cười theo cây hồ tiêu, năm nay giá hạt tiêu vượt mốc 90.000 đồng/kg là phần thưởng lớn cho những người kiên trì bám trụ với loại cây này.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai-nơi có 110 thành viên, với 80 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững thì niềm vui còn lớn hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết, hồ tiêu của hợp tác xã được mua giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/1kg, riêng 15 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ luôn được mua cao hơn so với giá thị trường 25%.

Theo bà Nga: “Hiện nay giá tiêu đang lên bà con rất vui mừng, phấn khởi. Năm ngoái giá 68.000-70.000 đồng/kg, thì năm nay lên từ 92.000-95.000 đồng/kg rồi. Hiện nay, bà con đang chăm lại vườn, thu hoạch, bón phân và trồng lại những vườn tiêu còn trụ. Hi vọng giá tiêu và nông sản các loại tăng để bà con có thêm chi phí, thu nhập, cải thiện đời sống, yên tâm canh tác”.

gia-tieu-tang-ky-luc-01-1710205696.jpg
Dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên, Chủ tịch UBND xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, trước việc giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền địa phương khuyến cao người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, mà kiên trì hướng canh tác bền vững để đứng vững trước sự biến động của giá cả và dịch bệnh.

“Tổng diện tích hồ tiêu của xã là 220 ha, sản lượng từ 2,5 - 3 tấn/ha. Đối với các hộ sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững thì có thể lên tới 4 ha. Đây là một xu hướng, xã đang vận động nhân dân canh tác theo hướng này để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của cây hồ tiêu” - bà Yên chia sẻ.

Nguồn cung hạn chế đẩy giá tiêu tăng liên tục

Theo các chuyên gia, giá tiêu tăng mạnh những phiên đầu năm do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung giảm so với cùng kỳ 2023. Nhiều doanh nghiệp đang tăng mua để đảm bảo tiến độ xuất khẩu, đẩy giá lên cao.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng cao là yếu tố cung cầu. Theo đó, lực tác động lớn nhất khiến giá hồ tiêu tăng nhanh là do hồ tiêu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên khối lượng chưa được nhiều.

Bên cạnh đó, giới đầu cơ trong nước đang tập trung mua nhiều, giá nào cũng mua vì họ đoán định rằng hồ tiêu sẽ bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm (thường kéo dài 10 năm).

Trong khi đó, người nông dân trồng hồ tiêu không có áp lực bán ra lớn. Hay nói cách khác, số lượng hộ nông dân chịu tác động áp lực bán hàng ngay ít hơn nhiều so với các năm trước. Bởi đa số những người trồng hồ tiêu hiện nay trồng thêm sầu riêng, cà phê hoặc có những thu nhập khác.

Đặc biệt, nhu cầu tăng của các thị trường khác nhau như Hoa Kỳ, EU, châu Á và châu Phi đối với các đơn hàng giao ngay trong quý I/2024 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá hồ tiêu tăng mạnh.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn. "Bản thân tôi khi đi khảo sát thực tế tại các vùng trọng điểm trồng hồ tiêu tại Đắk Nông, Đắk Lắk,… ghi nhận sản lượng hồ tiêu tại các vùng trồng giảm từ 10 – 15%. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá hồ tiêu tăng", ông Bính thông tin.

gia-tieu-tang-ky-luc-03-1710205761.jpg
Nguồn cung hạn chế khiến giá tiêu tăng cao và dự báo sẽ còn duy trì đà tăng. (Ảnh minh họa)

Dự báo về chu kỳ tăng giá của hồ tiêu trong thời gian tới, ông Bính cho biết năm 2006, giá hồ tiêu ở mức thấp nhất, sau đó gần 10 năm, tức năm 2015, giá hồ tiêu đạt đỉnh với mức hơn 250.000 đồng/kg. Nhưng vào tháng 3/2020, giá hồ tiêu xuống đáy, ở mức 34.000 đồng/kg.

"Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước", ông Bính nhấn mạnh.

Những năm qua, giá tiêu xuống thấp nên nhiều nơi giảm diện tích. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng hạt tiêu tại Việt Nam năm 2023 đạt 115 nghìn ha, giảm 5 nghìn ha so với năm 2022. Năm nay, sản lượng hạt tiêu toàn cầu có thể thiếu hụt do biến đổi khí hậu.

Theo VPSA, sản lượng hồ tiêu năm nay dự kiến giảm 10% xuống 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hồ tiêu tiếp tục neo ở mức cao trong vài tháng nữa./.

Bình Nguyên