Giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua

Do những diễn biến tăng theo giá thế giới, giá phân bón đã tăng thêm 1.000-1.900 đồng/kg. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông) nhận định giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua.

Giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm

Theo ghi nhận, trong tháng qua giá bán lẻ phân bón ở thị trường Mỹ tăng, phân DAP tăng mạnh nhất với 8% lên 1.047 USD/tấn. Tiếp đó là phân urê tăng 7% lên 1.017 USD/tấn, phân MAP tăng 6% lên 1.071 USD/tấn, phân kali tăng 4% lên 875 USD/tấn. Các loại phân lót, phân khô cũng tăng.

Trong khi đó, thị trường nội địa tháng 4 vừa qua, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp.

Chẳng hạn, giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc có mức 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), phân DAP nội địa là 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), phân kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), phân urê là 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg)…

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông) nhận định giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, tăng lên 16-18 triệu đồng/tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với phân DAP và kali.

Nguyên nhân tăng do nguồn cung phân bón nói chung đang khan hiếm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Ngoài ra, còn có hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga đã tác động thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung, tăng giá.

Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới, và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này trong khi đang vào vụ mùa sản xuất.

3765504-4read-only-16242008398372057920989-crop-1624203842276566049755-1652263127.jpeg
Cục Bảo vệ thực vật nhận định giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, tăng lên 16-18 triệu đồng/tấn. Ảnh minh hoạ.

“Kìm hãm” tốc độ tăng giá phân bón

Để "giảm nhiệt" giá phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, phân DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình hơn 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong số đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Dự báo

Thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid 19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do căng thẳng giữa Nga-Ukraine nổ ra.

Trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần một nửa lượng kali cung cấp trên toàn thế giới và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này./.

Văn Thi (t/h)