Vụ lúa Hè thu năm nay nông dân tỉnh Vĩnh Long xuống giống hơn 41.000 ha. Những trà lúa xuống giống sớm đang được thu hoạch với năng suất đạt gần 6 tấn/ha.
Theo phản ánh của bà con nông dân, năm nay do vật tư nông nghiệp như phân bón và giá thuê máy thu hoạch tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất lúa của bà con cũng tăng lên từ 15 đến 20% nên lợi nhuận không nhiều. Bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long mong muốn giá lúa tăng tương ứng để giảm bớt khó khăn như hiện nay.
Để một cây mạ lớn lên thành cây lúa, bà con nông dân phải rất cực nhọc ra đồng từ lúc bình minh. Tuy nhiên, lợi nhuận không bằng công sức bà con phải bỏ ra.
Lý do là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng. DAP là loại phân nông dân thường dùng hiện đã tăng thêm 100.000 đồng/bao loại 50 kg lên gần 1,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí bơm nước, cắt lúa cũng tăng khi giá xăng dầu tăng.
Ngược lại, giá lúa trong nước không tăng nhiều. Tuỳ theo loại, thương lái mua từ 5.700 - 6.300 đồng/kg tại ruộng. Tính ra, mỗi ha đất, bà con nông dân chỉ có lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Nếu tính cả công chăm sóc, lợi nhuận không được bao nhiêu.
Vụ Hè thu năm nay vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha. Nghịch lý là trồng lúa không có lời nhiều nhưng bà con nông dân buộc phải bám ruộng đồng bởi không được trang bị các kỹ năng để làm việc khác.
Trong thời gian tới, các hộ dân mong muốn giá lúa trong nước sẽ tăng cao hơn hoặc là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm, có như vậy mọi người mới có được mức thu nhập tương đối.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá gạo xuất khẩu ổn định, không có biến động gì nhiều so với trước đây. Hiện nay, giá xuất khẩu đối với gạo 5% tấm từ 430 – 440 USD/tấn, đối với Đài Thơm, OM18 được xuất khẩu với giá từ 470 – 480 USD.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo ổn định là do chất lượng gạo của Việt Nam tăng cao; người dân tập trung sản xuất theo quy trình bền vững, canh tác giống lúa chất lượng cao để đáp ứng các tiêu của các đối tác.