Gần 232.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4

Dù trong tháng 4 thị trường chứng khoán biến động nhưng số lượng tài khoản mở mới vẫn xếp thứ 2 trong lịch sử 2 thập kỷ hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện thị trường này đang có gần 5,2 triệu tài khoản chứng khoán.

Tháng 4 đầy biến động đã trải qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số chính là VN-Index đã thoái lui khá sâu khi thử thách lại vùng đỉnh lịch sử. Mức giá đóng cửa thấp nhất trong tháng của chỉ số VN-Index là 1.310,92 điểm vào ngày 25/4, chỉ số đóng cửa phiên cuối tháng tại mốc 1.366, 8 điểm. Với mức giảm 8,4% trên chỉ số VN-Index, thị trường có tháng điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Qua đó, thanh khoản cũng về mức thấp nhất theo tháng trong gần 1 năm trở lại đây chỉ với 20,6 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HOSE.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thời gian qua thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 4/2022, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 231.960 tài khoản chứng khoán, trong đó các nhà đầu tư cá nhân mở mới 231.782 tài khoản. Số lượng tài khoản do nhà đầu tư tổ chức mở là 178.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, đã có tổng cộng hơn 908.460 tài khoản chứng khoán được mở mới, cao gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tính chung hiện tại Việt Nam đang có gần 5,2 triệu tài khoản chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số (5,16 triệu tài khoản).

thi-truong-chung-khoan-duoc-nhieu-nha-dau-tu-lua-chon-anh-thanh-haii-1652239706.jpg
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, dù trong tháng 4 thị trường chứng khoán biến động mạnh nhưng số lượng tài khoản mở mới vẫn xếp thứ 2 trong lịch sử 2 thập kỷ hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó trong tháng 3/2022, thị trường ghi nhận kỷ lục 271.619 tài khoản mở mới.

Dân số Việt Nam tính đến ngày 4/4/2022 là 98,7 triệu người, như vậy, số lượng tài khoản chứng khoán/đầu người chính thức cán mốc 5,2%. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ người dân tham gia vào thị trường chứng khoán vào năm 2030 đạt 10% hoàn toàn khả thi.

Trước đó, tại Hội Nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết, nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn. Tuy nhiên chúng ta có đặc điểm rất khác biệt, đó là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt”, ông Cường đánh giá.

Cũng liên quan đến thị trường vốn, tại thị trường trái phiếu, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Phương Ly (t/h)