Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị liên quan và đông đảo bà con nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để đảm bảo việc vận hành khai thác dự án an toàn, hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại và thực hiện bảo hành, bảo trì dự án theo quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác tại dự án này cũng như việc triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn.
Về phía Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay thì phải mất từ 8-10 năm mới hoàn thành xong một dự án đường sắt đô thị.
Theo ông Dương Đức Tuấn, đây là loại hình giao thông ưu việt, có khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu của giao thông thành phố. Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn tuyên bố tiếp nhận bàn giao và đưa tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác vận hành thương mại giai đoạn đầu từ ngày 6/11.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau lễ bàn giao, tiếp nhận, từ 9h sáng nay, Hanoi Metro tổ chức vận hành các đoàn tàu để chở người dân trải nghiệm toàn tuyến.
Theo phương án được duyệt, hành khách đi tàu sẽ lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.
Hiện Hanoi Metro chuẩn bị hơn 200.000 vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.
Như vậy, từ ngày 6/11, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào chở khách sau 10 năm đầu tư, xây dựng với nhiều lần điều chỉnh tiến độ.
Về thời gian hoạt động, trong 15 ngày đầu miễn phí, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày. Trong tuần đầu tiên khai thác 15 phút/chuyến, sang tuần thứ 2 là 10 phút/chuyến. Trường hợp khách đi lại tăng sẽ điều chỉnh phù hợp biểu đồ để đạt hiệu quả.
Sau thời gian này, tuyến đường sắt sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.
Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm máy bán vé. Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi, với mức: 7.000-15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé. Vé tháng gồm 2 loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông(không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng/vé tập thể giảm... Việc áp dụng ưu đãi, giảm giá vé được thực hiện theo quy định chung.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu depot tại Phú Lương – quận Hà Đông, với 13 đoàn tàu.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm. Tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút./.