Đừng ăn của rừng nữa!

Tôi vừa nhận được hợp đồng của NXBGDVN về những bài viết, bình luận phim, văn chương được tuyển vào sách giáo khoa bộ mới. Hóa ra không chỉ có 3 bài như tôi từng biết mà có tới 5 bài viết của tôi được chọn đưa vào sách Ngữ văn, từ lớp 6 đến lớp 12.
395230654-10225188884574625-5020203858746340835-n-2-1698805264.jpg
Điều này khiến việc cứu Sao la trước khi loài này biến mất càng trở nên khó khăn.

Hai bài sau họ làm việc với đơn vị xuất bản để hợp tác bản quyền và liên hệ với tôi để ký hợp đồng. Một trong hai bài mới này là bài giới thiệu/bình luận về bộ phim Những người thợ xẻ, được rút từ cuốn 101 Phim Việt Nam, để đưa vào sách Ngữ văn lớp 12. Đây là bộ phim của đạo diễn Vương Đức được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cũng là một “case study” về cải biên/chuyển thể từng gây tranh cãi trên truyền thông vào năm 1998 (hồi đấy chỉ có báo giấy thôi).

Nếu truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp rất mạnh về ngôn ngữ văn chương thì phim của Vương Đức cũng rất táo bạo và khốc liệt về mặt điện ảnh. Một trong những cảnh rùng rợn nhất trong phim mà tôi xem hồi còn là một chàng sinh viên là cảnh đặc tả Ngọc (Lê Vũ Long) bị lưỡi cưa xén ngón chân khi đang “kéo cưa lừa xẻ” thân cây gỗ cổ thụ của rừng. Sau đó tiếp tục là một cảnh đặc tả ngón chân của Ngọc bị hoại tử gây nguy hiểm tính mạng và Bường (Quốc Trị), gã trưởng nhóm lưu manh buộc phải chặt “ngón chân thối” bằng rựa, vừa để cứu Ngọc vừa để trừng phạt vì dám chống đối lại gã.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - có lẽ đó là thông điệp mạnh nhất của bộ phim này, với những cái giá phải trả quá đắt cho nhóm “kéo cưa lừa xẻ” phá rừng trong những năm 80-90 của thế kỷ trước mà vẫn còn nóng hổi đến hôm nay. Tôi cũng mong muốn các trường học, sau khi phân tích, thảo luận về bộ phim này trong sách giáo khoa, nếu có điều kiện, hãy tổ chức chiếu phim để các bạn học sinh lớp 12 có được những cảm quan sinh động hơn qua bộ phim điện ảnh này.

Tôi dẫn dắt một chút để vào chủ đề chính hôm nay. Tôi nhận lời làm KOL (hoàn toàn miễn phí) đồng hành cùng chiến dịch truyền thông “Giữ rừng nguyên vẹn, Tái hẹn Sao la”, nằm trong khuôn khổ dự án “Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng về hiểm họa tuyệt chủng của loài Sao la và kêu gọi các hành động thiết thực để bảo vệ loài vật nguy cấp này.

Dự án "Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" là nỗ lực gần đây nhất của WWF-Việt Nam nhằm tăng cường tìm kiếm và cứu lấy Sao la - một trong những loài thú quý hiếm nhất thế giới và ước tính chỉ còn chỉ còn một số lượng rất ít cá thể ngoài tự nhiên - khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Những nỗ lực này là một phần của một tầm nhìn rộng hơn: thiết lập trung tâm nhân giống bảo tồn đầu tiên không chỉ cho Sao la, mà còn cho các loài đặc hữu quý hiếm khác của dãy Trường Sơn…

Có lẽ hình ảnh của Sao la đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Chúng được mệnh danh là “kỳ lân của châu Á” và là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, chỉ được tìm thấy ở những cánh rừng Trường Sơn nằm giữa biên giới của Việt Nam và Lào. Sao la cũng đã chính thức được chọn làm linh vật cho SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào năm 2022.

Thế nhưng, do nạn đặt bẫy và các hoạt động phát triển của con người khiến sinh cảnh của Sao la ở các khu rừng tại Lào và Việt Nam liên tục bị đe dọa, khiến loài động vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong khi đó, cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ sống tại khu vực Trung Trường Sơn chưa có nhiều nhận thức về Sao la cũng như sự quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì vậy, mỗi người chúng ta, hãy góp phần lan tỏa kiến thức về Sao la thông qua những câu chuyện tìm kiếm và bảo tồn Sao la để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Bởi vì đơn giản thôi: “Muốn tìm Sao la, phải giữ rừng trước. Rừng được giữ, Sao la sẽ về. Và hãy để rừng Trường Sơn mãi là mái nhà của Sao la”. Đừng “ăn” của rừng nữa!./.

Nguyễn Hồng Lam