Đưa cá tầm lên núi mở ra triển vọng phát triển thủy sản gắn với du lịch

Mô hình nuôi cá tầm tại xã vùng biên Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nỗ lực đưa cá tầm lên núi đã mở hướng phát triển thuỷ sản kết hợp với du lịch, dịch vụ.
dua-ca-tam-len-nui-02-1705286805.jpg
Trại cá tầm của chị Thảo mở rộng diện tích với 10 bể cá, nuôi 4.000 - 5.000 con cá mỗi năm.

Đưa cá tầm lên núi thu trăm triệu

Gia đình chị Đàm Thị Thảo ở xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là hộ đầu tiên đưa giống cá tầm về nuôi thử nghiệm tại địa phương. Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Nhận thấy địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp với mô hình nuôi cá nước lạnh, năm 2017 sau khi tham quan mô hình nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa (Lào Cai), gia đình chị đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng với diện tích trang trại trên 750 m2, lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn.

Thời gian đầu do còn hạn chế về kỹ thuật, cách phòng ngừa, điều trị các loại bệnh nên cá chậm phát triển, xuất hiện các loại bệnh gây thiệt hại về kinh tế. Không nản chí, chị và gia đình tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật, các địa chỉ cung cấp cá giống uy tín ở Lào Cai, Yên Bái để nhập về các giống cá tốt, đảm bảo chất lượng.

dua-ca-tam-len-nui-01-1705286838.jpg
Gia đình chị Thảo đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng với diện tích trang trại cá tầm trên 750 m2.

Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài bể nhỏ, đến nay, trại cá tầm của gia đình mở rộng diện tích với 10 bể cá, nuôi 4.000 - 5.000 con cá mỗi năm, sản lượng đạt khoảng 5 - 7 tấn. Giá cá tầm thương phẩm hiện nay dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị Thảo chia sẻ: "Cá tầm cơ bản cũng giống với các loại cá khác. Tuy nhiên, phải thường xuyên thau rửa bể nuôi cá cho sạch. Cá tầm to thì trọng lượng lên tới vài chục cân như ở Sa Pa (Lào Cai) chẳng hạn nhưng nhà tôi thì xuất bán khi cá đạt từ 2kg trở lên".

Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài bể nhỏ, đến nay, trại cá tầm gia đình chị Đàm Thị Thảo đã mở rộng diện tích nuôi cá tầm lên hơn 800m2 với 10 bể cá, nuôi 4.000 - 5.000 con mỗi năm, cho sản lượng khoảng 5 - 7 tấn. Giá cá tầm thương phẩm hiện nay dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

Triển vọng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Theo chị Thảo, nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cấp nguồn nước lạnh sạch, không ô nhiễm. Việc chăm sóc và theo dõi đàn cá phát triển hàng ngày cũng giúp kịp thời phát hiện và xử lý những bệnh thường gặp trên đàn cá. Ông Ngụy Văn Thành, một người nuôi cá tầm có kinh nghiệm cho biết hàng ngày chia thời gian 3 lần đều đặn cho cá ăn, thậm chí là cả ban đêm, đồng thời theo dõi lượng ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp.

"Giống cá tầm thích nghi với môi trường nước lạnh nên gia đình tôi phải dùng lưới che chống ánh nắng trực tiếp chiếu vào bể nuôi. Biết được bệnh thường gặp và thói quen ăn của cá thì dễ dàng chăm sóc. Nếu thời tiết lạnh thì không sao nhưng nếu thời tiết nắng nóng thì cá dễ mắc bệnh và thường bỏ ăn", ông Thành chia sẻ.

dua-ca-tam-len-nui-03-1705286791.jpg
Nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, quan trọng là phải đảm bảo cung cấp nguồn nước lạnh sạch, không ô nhiễm cho cá.

Ngoài trại cá tầm Thảo Công của gia đình chị Thảo, trên địa bàn xã cũng có vài hộ nuôi thử nghiệm cá tầm, cá hồi quy mô nhỏ. Để phát triển kinh tế, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp trong thời gian tới, gắn các mô hình kinh tế với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện Hà Quảng đã phát triển thêm mô hình nuôi cá tầm tại xã Ngọc Đào để tăng thêm quy mô. Vận động, khuyến khích người dân đầu tư mô hình nuôi cá tầm nhiều hơn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho bà con để nâng cao chất lượng cá tầm thương phẩm. Từ đó, hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và mang tính đặc hữu của vùng, từng bước giúp mô hình nuôi cá tầm phát triển theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Triệu Văn Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết, cá tầm nước lạnh đem lại thu nhập nhưng vốn đầu tư cũng không nhỏ.

Việc nuôi thành công cá tầm với năng suất, chất lượng sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế lớn, đa dạng hóa nguồn cung đặc sản chất lượng, mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên Hà Quảng.

Một số ý kiến cho rằng, để phát triển tiềm năng nuôi cá tầm, chính quyền các cấp cần có cơ chế, chương trình thu hút và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ngang tầm với lợi thế của địa phương. Đồng thời tổ chức quản lý hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững./.

Bình Châu