Du lịch chữa lành và cơ hội phát triển

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch chữa lành, song để loại hình này đi đúng hướng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác.
cac-loai-hinh-du-lich-1695100481.jpg
Du lịch chữa lành và cơ hội phát triển.

Từ sau những biến động lớn của đại dịch Covid 19, du lịch chữa lành đang trở thành xu hướng thu hút nhiều đối tượng lựa chọn. Do còn khá mới mẻ, nên chưa có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về loại hình du lịch này, song về cơ bản, có thể hiểu du lịch chữa lành là loại hình du lịch thường được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như: thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng...

Du lịch chữa lành hướng đến các dịch vụ mang tính an tĩnh hơn để làm mới cảm xúc, thư giãn tâm hồn, hướng đến những giá trị sống tích cực hơn.

Các chuyên gia cho rằng hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch chữa lành và một số hình thức du lịch khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh..., nhưng du lịch chữa lành sẽ thiên nhiều hơn về mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.

Đối tượng của du lịch chữa lành vì thế cũng tương đối rộng lớn, bên cạnh những người đang chịu tổn thương về tâm lý, rơi vào trầm cảm sau những biến cố của cuộc đời có nhu cầu được hàn gắn nỗi đau, còn là những người muốn khám phá thế giới tâm hồn bên trong, muốn được chăm sóc, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của chính mình.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute) chỉ ra rằng, đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cũng cho thấy, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số này đủ khẳng định sức hút cũng như tiềm năng phát triển dồi dào của thị trường du lịch chữa lành.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình này đã được chú trọng phát triển với sự ra đời của nhiều mô hình sáng tạo, như các tour du lịch kết hợp thiền định, yoga tại Ấn Độ; tour thiền định giữa rừng ở đảo Jeju, Hàn Quốc; các chuyến đi với liệu pháp chữa lành bằng âm nhạc, hội họa, chăm sóc động vật... ở một số nước phương Tây; hay tại Thái Lan, còn có cả những tour trị liệu chuyên đề dành riêng cho người nghiện game, nghiện việc...

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng gồm nhiều bãi biển, rừng nguyên sinh, điểm khoáng nóng, bùn nóng trải dài, cùng với đó là số lượng chùa, thiền viện đồ sộ, nền y học cổ truyền nổi tiếng... Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch chữa lành.

Nắm bắt xu hướng này, gần đây, một số hãng lữ hành, điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các sản phẩm du lịch chữa lành nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Theo các chuyên gia, du lịch chữa lành ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu nên chưa thật sự đa dạng và chuyên nghiệp. Cùng với một số ít sản phẩm định hình tương đối rõ về yếu tố chữa lành, thì phần lớn các sản phẩm mới chỉ quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe về phần thân như massage, xông hơi, ngâm chân... mà chưa chuyên sâu về các hoạt động chăm sóc phần tâm.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành cũng còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng do thiếu liên kết với các chuyên gia y tế, chuyên gia trị liệu tinh thần.

Vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch rất giàu tiềm năng này, các cơ quan quản lý về du lịch cần có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết kế những tour chữa lành mang tính chuẩn mực, công bố các tiêu chí cần đáp ứng của đội ngũ chuyên gia chữa lành... làm căn cứ để các công ty, điểm đến xây dựng và mở rộng phát triển sản phẩm.

Vân Trần