Du lịch Bình Thuận - Tiềm năng và kỳ vọng

Với nhiều tiềm năng và quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, Bình Thuận đang kỳ vọng sự cất cánh của ngành du lịch tỉnh trong năm 2023 với sự kiện đăng cai tổ chức năm Du lịch quốc gia 2023 theo chủ đề: Bình Thuận - Hội tụ xanh.

Tỉnh coi đây là cơ hội quan trọng để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam nói chung và vùng đất Bình Thuận nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước, tạo cú hích mạnh mẽ để ngành du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Du lịch Bình Thuận: Tiềm năng và kết quả đạt được

Là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đặc biệt, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận 192 km bờ biển; nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh đẹp; bãi biển với bờ cát trắng, nước trong xanh, tạo nên nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng.

Bình Thuận còn có tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội truyền thống đặc sắc cấp quốc gia và tỉnh... tạo thuận lợi cho ngành du lịch tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đây là tiềm năng to lớn để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Theo số liệu thống kê, những năm 1990, lượng khách đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương chỉ đạt khoảng 12.500 người/năm, trong đó khách quốc tế xấp xỉ 1000 người, doanh thu từ ngành này mang lại mỗi năm khoảng hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau sự kiện nhật thực toàn phần tại Mũi Né, Phan Thiết vào ngày 24/10/1995 đã thu hút một lượng lớn các đoàn chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước, các lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này, nhờ vậy địa danh Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ sự tăng cường đầu tư phát triển du lịch và nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy đã đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.

2410phanthiet-1679274345.jpg
Ảnh minh họa

Du lịch Bình Thuận tiềm năng và kỳ vọng cất cánh

Đặc biệt, trong những năm gần đây với sự định hướng và quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch biển gắn với việc tổ chức các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng như: Cuộc thi Hoa hậu Trái Đất năm 2010, Giải lướt Ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ I-Bình Thuận năm 2012 tại Hàm Tiến-Mũi Né, Vòng chung kết Hoa hậu Đại Dương năm 2014,… các sự kiện diễn ra khá thành công, tạo được hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Bình Thuận đến với du khách…

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay du lịch Bình Thuận đã đạt được những thành tựu đột phá và có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiệu quả đầu tư cùng môi trường đầu tư thông thoáng cũng đã thu hút mạnh các nhà đầu tư kinh doanh du lịch đến Bình Thuận. Hiện, toàn tỉnh Bình Thuận thu hút 383 dự án du lịch còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 68.831 tỷ đồng; trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với với tổng vốn đầu tư là 11.231 tỷ đồng; 361 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 57.600 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án.

Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành du lịch của tỉnh không ngừng được đầu tư, tăng trưởng, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ La Gi đến Tuy Phong; các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia.

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước.

Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ ăn uống, mua sắm và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch cũng đã và đang ngày càng nâng cao về chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; dịch vụ vận chuyển khách tham quan, du lịch... đặc biệt là các dịch vụ thể thao biển ngày càng phong phú, đa dạng như: Lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển… Toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng. Đối với loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê, toàn tỉnh có trên 530 cơ sở cùng nhiều căn hộ và biệt thự, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm.

Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận cho biết, kết thúc năm 2022, hoạt động du lịch của tỉnh đã có sự phục hồi nhanh chóng (sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19), lượng khách du lịch cả năm 2022 ước đạt 5.720,2 ngàn lượt khách, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, ngày khách du lịch ước đạt 10.275,5 ngàn ngày khách, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch dự ước năm 2022 đạt 13.680,3 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lượng khách quốc tế đạt 87,7 ngàn lượt khách, tăng 3,8 lần; ngày khách phục vụ ước đạt 346,6 ngàn ngày khách, tăng 3,9 lần. Du lịch phát triển đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.

mui-ke-gaks-min-1679274381.jpg
Ảnh minh họa

Đặt biệt, trong tháng đầu tiên của năm 2023, du lịch Bình Thuận đón gần 700 nghìn lượt khách, đem về doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.793 tỉ đồng. Các con số này đều tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong tháng 01/2023, tình hình đón khách quốc tế của du lịch Bình Thuận đã có sự tăng trưởng trở lại, dự ước đạt gần 24.000 lượt, trong đó khách đến từ Hàn Quốc và Nga chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, Bình Thuận luôn ghi nhận mức khá đồng đều trong tỷ trọng khách quốc tế từ các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và các thị trường đích như Đức, Phần Lan.

Du khách tập trung nhiều ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong… Theo thống kê từ ngày mùng 2 đến hết ngày mùng 5 Tết Quý Mão 2023, lượng khách du lịch khá đông, đa số cơ sở lưu trú xếp hạng 3-5 sao đều đạt công suất phòng tối đa. Tính bình quân trong 7 ngày Tết, các khách sạn- resort từ 3-5 sao đạt tỷ lệ sử dụng buồng phòng khoảng 75-85%, với nhà nghỉ - khách sạn từ 1-2 sao thì đạt công suất 60-75%...

Có thể thấy, việc du lịch phát triển nhanh chóng và sự hình thành của những công trình lớn như đường cao tốc và sân bay là yếu tố quan trọng giúp Bình Thuận trở thành thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng giàu tiềm năng. Ngoài ra, sự xuất hiện của những dự án quy mô lớn được quy hoạch, phát triển bài bản cũng là lý do thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và kinh tế toàn tỉnh…

Sẵn sàng cho năm du lịch quốc gia 2023: Bình Thuận - Hội tụ xanh

Sự kiện đăng cai Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề Bình Thuận - Hội tụ xanh được xem là cơ hội để du lịch Bình Thuận “cất cánh”. Đến nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và công tác chuẩn bị của doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các sự kiện, hoạt động sẽ diễn ra tại Bình Thuận cho Năm Du lịch Quốc gia 2023 đã và đang được địa phương chuẩn bị sẵn sàng. Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào tỉnh; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.

Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng chương trình kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút du khách. Nhờ đó, hoạt động tại nhiều khu du lịch trên địa bàn Bình Thuận diễn ra khá sôi động và là tín hiệu tích cực cho toàn ngành khởi đầu năm mới tràn đầy hy vọng.

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của du lịch Bình Thuận trong liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước; đồng thời làm tốt vai trò của tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận hiện đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe… phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các Trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách…

Theo kế hoạch, Năm Du lịch Quốc gia 2023 có 208 sự kiện, hoạt động, trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động, văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn quy mô liên tỉnh, quốc gia, quốc tế diễn ra xuyên suốt năm 2023. Cùng với đó sẽ có 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng do 41 tỉnh, thành tổ chức.

Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận với các hoạt động kéo dài trong cả năm nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam nói chung và vùng đất Bình Thuận nói riêng nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam và tỉnh Bình Thuận; tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững. Hơn thế, du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Sự kiện đầu tiên của Năm Du lịch quốc gia 2023 là Lễ công bố "Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh" gắn với lễ hội đếm ngược (countdown) tổ chức ngày 31/12/2022 tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2023 tại NovaWorld Phan Thiết. Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc tế sẽ được tổ chức tại Bình Thuận như: Lễ hội ẩm thực quốc tế, trại hè, ngày hội thể thao quốc tế, tuần lễ văn hóa đường phố, liên hoan các ban nhạc quốc tế tại Bình Thuận, festival nghệ thuật biểu diễn thế giới…

Những sự kiện quy mô quốc gia gồm các giải thể dục thể thao như: Chạy marathon, đua thuyền rowing và canoeing, lân sư rồng, đua xe đạp, bóng bàn, đua thuyền truyền thống, golf, võ vovinam… và chương trình Tuần lễ vàng du lịch Bình Thuận - Hội tụ xanh. Các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia 2023 hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023, tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với các địa phương Ninh Thuận, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh tổ chức một số hoạt động mang tính liên tỉnh, liên vùng. Cụ thể, tổ chức đoàn famtrip khảo sát du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng; tổ chức giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận, giải thuyền buồm, giải golf quốc tế tại Ninh Thuận và Bình Thuận… Không chỉ nhắm tới thị trường trong nước, tỉnh Bình Thuận luôn duy trì quan điểm đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Theo đó, Tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như tại Hội chợ Du lịch Thế giới London, Lễ hội Du lịch, Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Trung ương tới địa phương, sự sẵn sàng chào đón Năm Du lịch quốc gia 2023 được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng lan tỏa tích cực cho du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung. Các chuyên gia cho rằng, thông qua việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận sẽ là nơi kết nối và hội tụ giữa các tỉnh trong khu vực lân cận và xa hơn nữa là khu vực phía Bắc và các nước châu Á - Thái Bình Dương để gắn kết cùng nhau phát triển kinh tế và du lịch. Theo đó, những giá trị, tiềm năng của du lịch Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận./.

Thu Hòa