Bắc Giang đột phá từ du lịch nông thôn

Với định hướng phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững, tỉnh Bắc Giang đang từng bước triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Đây là một trong những hướng đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, cảnh quan, nông nghiệp và con người; đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống và định hình diện mạo nông thôn mới hiện đại, văn minh.
Du khách quốc tế trải nghiệm vườn vải thiều tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn – điểm sáng trong phát triển du lịch nông nghiệp Bắc Giang.
Du khách quốc tế trải nghiệm vườn vải thiều tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn – điểm sáng trong phát triển du lịch nông nghiệp Bắc Giang.

Từ chính sách hỗ trợ đến phát huy lợi thế, tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn

Bắc Giang hiện có khoảng 28.000 ha diện tích cây ăn quả, cùng hệ sinh thái nông nghiệp phong phú, điều kiện tự nhiên đa dạng. Đây là cơ sở để tỉnh lựa chọn phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn như một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng giá trị cao và bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 38 điểm du lịch cộng đồng với sự tham gia của khoảng 250 hộ dân. Nhiều địa phương như Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và thị xã Chũ đã hình thành các mô hình du lịch nông thôn tiêu biểu, có khả năng đón từ 70.000 lượt khách/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đáng chú ý, việc phát triển du lịch nông thôn được lồng ghép hiệu quả với chương trình xây dựng nông thôn mới, thông qua đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan, gìn giữ văn hóa bản địa và phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, các di tích lịch sử – văn hóa được tu bổ, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận và trải nghiệm.

Thực hiện Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2023–2030, Bắc Giang xác định đây là đòn bẩy quan trọng nhằm thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào du lịch nông thôn.

Tỉnh đã ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực gồm:

Du lịch văn hóa – tâm linh; Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi giải trí kết hợp thể thao; Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, nông nghiệp – nông thôn.

Các địa phương trọng điểm như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế và thị xã Chũ được quy hoạch trở thành trung tâm phát triển loại hình du lịch này, trong đó Lục Ngạn nổi bật với mô hình du lịch vườn vải thiều và các loại cây ăn quả theo hướng sinh thái, hữu cơ.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và nông sản sạch tại thị xã Chũ – kết nối nông nghiệp với du lịch trải nghiệm.
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và nông sản sạch tại thị xã Chũ – kết nối nông nghiệp với du lịch trải nghiệm.

Gắn du lịch với nâng cao chất lượng sống và gìn giữ bản sắc

Tại nhiều xã, người dân đã chủ động cải tạo môi trường sống, trồng hoa, cây xanh, xây dựng mô hình nhà vườn sinh thái để phục vụ du khách. Đồng thời, sản xuất

nông nghiệp cũng được chuyển dịch theo hướng thân thiện với môi trường, sạch và hữu cơ.

Điển hình như Hợp tác xã Thanh Hải (thị xã Chũ), năm 2024 đã đón khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu tăng thêm khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh, kết nối tour – tuyến được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ, góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ và dịch vụ. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà đón khách, điểm trưng bày sản phẩm du lịch, bãi đỗ xe, đường nội bộ...

Hướng tới hệ sinh thái du lịch nông thôn thông minh

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến và quảng bá, Bắc Giang đang xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về các điểm du lịch nông thôn, số hóa thông tin, hình ảnh và tài liệu, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch nông thôn thông minh, tạo trải nghiệm hiện đại và thân thiện cho du khách.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó đã chia sẻ: "Phát triển du lịch nông thôn không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh tế, mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường sống địa phương.”

Trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại, du lịch nông thôn được Bắc Giang định vị là hướng đi chiến lược, lâu dài. Đây không chỉ là kênh tăng trưởng kinh tế mới, mà còn góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – nâng cao đời sống, tăng thu nhập cao, đồng thời giữ gìn được cốt cách văn hóa truyền thống./.

Xuân Hiếu