Trong những năm trở lại đây, Thanh Hóa được ví là “điểm dừng chân” lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó giúp địa phương vươn lên Top đầu của cả nước trong việc thu hút FDI.
Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Chấp thuận điều chỉnh vốn cho 08 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc, giầy da bị cắt giảm đơn hàng, do ảnh hưởng bởi suy thoái của các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Ngoài ra, do thay đổi kế hoạch đầu tư, sản xuất nên trong năm có 04 nhà đầu tư đã tự chấm dứt hoạt động dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 22,9 triệu USD.
Trong năm 2024, Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD; trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)… Giá trị giải ngân vốn của các dự án FDI đạt khoảng 460 triệu USD.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Thanh Hóa luôn cải thiện môi trường đầu tư. Chú trọng đến lĩnh vực kinh tế đối ngoại, vận động, xúc tiến đầu tư. UBND tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch… các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính trong và ngoài nước như Koica, JETRO, WB, ADB, JICA và các tổ chức tài chính lớn khác để cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ chế, chính sách, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ nỗ lực tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư. Hạn chế tối thiểu các khâu giải quyết thủ tục hành chính, để tiến độ thi công được triển khai nhanh nhất có thể.
Đặc biệt trong năm 2023, Thanh Hóa đã tổ chức thành công ngày “Italia tại Thanh Hóa”. Đây là sự kiện văn hóa lớn giữa hai quốc gia, dân tộc, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Thanh Hóa tìm hiểu đầu tư và triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư.
Với quan điểm: “Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh Thanh Hóa” Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cung cấp đủ quỹ đất, đặc biệt là sát cánh cùng nhà đầu tư giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc để các dự án được triển khai thuận lợi./.