Buổi Hội thảo được sự dẫn dắt bởi GS. TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển; TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên và TS. Lâm Thị Quỳnh Dao, Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội.
Đến với buổi hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và hoạt động xã hội đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến trẻ vị thành niên, với những tham luận sâu sắc xoay quanh vấn đề tâm lý, môi trường sống, cách giáo dục… Buổi Hội thảo đã làm rõ các vấn đề xoanh quanh trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.
Mở đầu buổi Hội thảo, TS. Lâm Thị Quỳnh Dao đã trình bày báo cáo đề dẫn.Theo đó, trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong nhóm vị thành niên ở Thủ đô đang có xu hướng tăng lên. Về cả số lượng vụ vi phạm và số lượng đối tượng vi phạm pháp luật; tội danh mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác, và cuối cùng sự tăng lên về mức độ phức tạp, liên quan đến quy mô, tổ chức, hình thức biểu hiện của các tội danh.
Tiếp nối chương trình, GS.TS Đặng Cảnh Khanh đã tham luận về vấn đề nghiên cứu việc phạm tội của trẻ vị thành niên. Giáo sư cho biết hiện nay có rất nhiều luồng ý kiến về phòng chống tội phạm vị thành niên như: Nên tăng hình phạt với trẻ vị thành niên; Giảm độ tuổi được coi là vị thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự; Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa; Tăng trách nhiệm với gia đình, cha mẹ; Hay chống tội phạm vị thành niên không phải là sự trừng phạt mà là giáo dục… Theo giáo sư Cảnh Khanh những ý kiến trên đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau và cần có sự thống nhất chung.
Kết thúc tham luận, GS. TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định cần có những giải pháp đồng bộ về mặt cơ chế. Cụ thể, cần phát huy sức mạnh chung của cộng đồng, của Chính quyền Nhà nước, của các Đoàn thể chính trị xã hội, của Đoàn Thanh niên, gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm chống lại tội phạm vị thành niên.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tá, Ths Lê Mạnh Cường cán bộ Viện Khoa học Cảnh sát hình sự thông tin, tại Viện Khoa học Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, và Viện cũng đã triển khai các chương trình liên quan đến bạo lực học đường, tình dục, tội phạm mạng.
Thiếu tá, thạc sĩ Lê Mạnh Cường thông tin thêm, các em không nắm được độ tuổi nào bị xử lý khi vi phạm pháp luật. Chưa có kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, bên cạnh đó thiếu sự quản lý học sinh trên mạng xã hội; thiếu các chương trình giáo dục kiến thức pháp luật khiến học sinh không nắm bắt được pháp luật, thêm vào đó tuổi này các bạn đang muốn thể hiện cái tôi mạnh mẽ khiến, không kiểm soát được bản thân và dễ vướng vào vòng lao lý.
Về giải pháp theo thiếu tá, thạc sĩ Lê Mạnh Cường, Nhà trường cần có những tiết học dạy các em cách giao tiếp ứng xử khi gặp các tình huống; Cần có kênh chia sẻ thông tin bảo mật giữa học sinh với thầy cô giáo. Ngoài ra cũng cần tăng cường kết nối giữa thầy cô và học sinh giúp các em dễ dàng chia sẻ vấn đề của mình. Ngoài ra cần xử lý chế tài nghiêm khắc đối với các học sinh vi phạm.
Phát biểu tại Hội thảo TS. Hoàng Văn Năm, Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ môi trường xã hội rất quan trọng trong sự phát triển nhận thức của trẻ vị thành niên, nếu chỉ làm tốt môi trường gia đình mà không làm tốt vai trò của xã hội sẽ tạo ra lỗ hổng. Môi trường cộng đồng là nhân tố thúc đẩy hoặc phòng ngừa hành vi vi phạm của trẻ vị thành niên. Cộng đồng là cấu kết xã hội giữa thành viên và cộng đồng. Theo tiến sĩ Hoàng Văn Năm cần có sự chung tay của tất cả các tổ chức đoàn thể, chính quyền và xã hội đối với trẻ vị thành niên.
Tham luận tại Hội thảo TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết các trường hợp vi phạm trong trường học rất ít, trẻ chủ yếu vi phạm ở ngoài cộng đồng. Do vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ của các ban, ngành, Đoàn thể và toàn xã hội mới có thể ngăn chặn vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên.
Còn theo GS.TS Lê Thị Quý, gia đình mang yếu tố quyết định đến hành vi của đứa trẻ, vai trò của công tác xã hội là cần thiết trong việc hỗ trợ trẻ vị thành niên. Vì lo kinh tế, cha mẹ ít dành thời gian cho con cái, khiến trẻ dễ bị sa ngã, bị lôi kéo bởi nhóm bạn xấu. GS. TS Lê Thị Quý nhấn mạnh cần phải chú trọng vào kết nối, xây dựng mối quan hệ trong gia đình, và cần tăng cường trị liệu gia đình với những gia đình đang có mâu thuẫn giữa các thành viên.
Tham luận về vấn đề vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên hiện nay, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi cho biết, những trẻ có vấn đề về tâm lý nên dễ có hành vi phạm pháp luật. Cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn trong tâm lý trẻ vị thanh niên sẽ có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ phạm tội của trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, có nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động đến hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên như do đặc điểm tâm lý cá nhân, do góc nhìn lệch lạc của một bộ phận trẻ vị thành niên, do tác động của mạng xã hội. TS Cảnh Linh cũng khẳng định cần lấy các em làm trung tâm cho các chương trình giáo dục.
Tổng kết lại Hội thảo, giáo sư Đặng Cảnh Khanh đề lấy giáo dục làm trọng tâm để hướng tới phòng chống tội phạm vị thành niên; Không áp đặt trẻ vị thành niên với quan điểm của người lớn; Cần giáo dục cho trẻ hiểu các giá trị văn hóa, lễ nghĩa, hệ giá trị Việt Nam; Không chỉ giáo dục mà cần phải có biện pháp trị liệu của CTXH gắn liền với y học; Đẩy mạnh vai trò của cộng đồng, gia đình với giáo dục trẻ vị thành niên; Cần có chế tài pháp luật pháp rõ ràng đối với trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các vấn đề về trẻ vị thành niên được thảo luận sôi nổi, với nhiều ý kiến xác đáng, đưa ra được nhiều giải pháp ngăn chặn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, đóng góp cho công cuộc chung trong việc định hướng nhân cách của thế hệ trẻ đất nước.