Đôi điều suy nghĩ về cảnh ùn tắc hàng nông sản ở cửa khẩu phía bắc

Việc hàng ngàn xe chở nông sản thực phẩm bị tắc nghẽn ở cửa khẩu biên giới là việc khiến chúng ta phải suy ngẫm.
ca-nghin-xe-cho-nong-san-mac-ket-o-khu-vuc-cua-khau-tan-thanh-lang-son-1640068208.jpg
Cả ngàn xe chở nông sản chờ thông quan

Đây là câu chuyện năm nào cũng lặp đi lặp lại, gây thiệt hại không chỉ cho người nông dân mà cho cả các doanh nghiệp cung ứng, dẫn đến nhà nước cũng bị thất thu lượng thuế không nhỏ. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ hàng nông sản của ta là rất lớn, rất quan trọng. Có điều, hàng hóa nông sản của chúng ta đang lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc.

Ngay cả đầu vào nông nghiệp như vật tư, phân bón… gần như 90% phải nhập từ Trung quốc để sản xuất, chúng ta phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra. Chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, kế hoạch đầu vào chứ không phải kế hoạch đầu ra; lo nâng cao năng suất, sản lượng còn thị trường thì… vẫn thả nổi. Nếu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì chúng ta còn lao đao. Minh chứng rõ nhất là ngay thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp Việt đã “thoát ra” khỏi thị trường Trung Quốc, và tìm được những thị trường mới như Mỹ, EU… và họ không có gì phải bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 18-12, tổng lượng xe container hàng hoá xuất đi Trung Quốc bị tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.804 xe. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.312 xe, chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử...; Cửa khẩu Tân Thanh ứn ứ 2.842 xe container, với các mặt hàng dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định; Cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vốn không có gì mới, và nó đã xảy ra thường xuyên và nhiều năm qua. Nếu để ý sẽ thấy, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, khi vào vụ thu hoạch, hoặc khi nước bạn chuyển trạng thái đóng mở thông quan thì chúng ta luôn luôn nằm trong thế bị động.

 Một khó khăn lớn cho việc xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc là phía Trung Quốc đã kiểm hóa 100% lô hàng trái cây Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với mặt hàng trái cây của các nước khác. Ví dụ như trái cây của Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%. Bên cạnh đó, nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu lợi thế của Việt Nam nói chung và của Lạng Sơn nói riêng như: chanh leo, sầu riêng, na chưa thuộc danh mục được cấp chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Để tránh tình trạng “đến hẹn lại lên” ách tắc hàng hóa, nhất là hàng nông sản này thì chúng ta cần có giải pháp dài hạn, hữu hiệu chứ không thể chờ vào các chỉ đạo hành chính từ chính phủ và các cơ quan ban ngành mỗi khi có sự cố xảy ra. Trước mắt, Bộ Công Thương cần tiếp tục chủ động đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.

Về lâu dài, Đối với các địa phương sản xuất nông sản, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới.

Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch. Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, mua bán theo hợp đồng có người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên. Đây cũng chính là hình thức giúp cho việc trao đổi, mua bán nông sản của người dân, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc được thuận lợi, dễ dàng hơn khi các yêu cầu đã được hai bên thống nhất từ trước, tránh việc các lô hàng không đảm bảo, bị trả lại.

Bấy lâu nay, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thường gặp nhiều khó khăn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt khi vào mùa thu hoạch chính vụ của nhiều loại nông sản dẫn đến quá nhiều lượng xe chở nông sản đổ về các cửa khẩu. Việc ký hết các hợp đồng thương mại, chuyển sang xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch là giải pháp cần thiết và cần được tăng cường thực hiện để giảm thiểu rủi ro cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích