Độc đáo lễ hội “Phá Trằm” hơn 300 năm ở Quảng Trị

Hàng năm cứ sau dịp lễ Quốc khánh 2/9, tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, làng Trà Lộc tổ chức lễ hội dân gian “Phá Trằm” truyền thống, cótừ hơn 300 năm trước.
anh-1-pha-tram-tra-loc-1694004186.jpg
“Trằm” theo cách gọi của người địa phương nghĩa là vùng đầm lầy có nhiều cá tôm. “Phá Trằm” nghĩa là xả nước ở đầm để cùng bắt cá tôm. Ảnh: Lâm Thông

Theo lệ, thường niên các cụ chức sắc trong làng chọn ra một ngày trung tuần tháng Bảy âm lịch tổ chức lễ hội. Gần đây, ngày đó được các cao niên tính toán phù hợp hơn, có thời gian từ trung tuần tháng này trở về cuối, nhưng phải đúng vào ngày cuối tuần để không chỉ người dân, mà còn con em của làng đang học tập, công tác mọi nơi có thời gian về quê cùng tham gia lễ hội.

Theo đó, người dân chỉ được phép xuống Trằm bắt cá sau khi các cụ cao niên của làng thực hiện xong phần lễ cáo giang sơn. Dù lễ hội “Phá Trằm” của làng Trà Lộc, nhưng người dân của làng khác và du khách cũng được tham gia lội bùn bắt cá hoàn toàn miễn phí. 

anh-2-pha-tram-tra-loc-1694004186.jpg
Các vị chức sắc của làng làm lễ cúng, kính cáo giang sơn. Ảnh: Cáp Vương

Trước ngày “Phá Trằm”, trưởng làng phải thông tin sự kiện này rộng rãi để mọi người biết mà cùng tham gia. Ngoài quan niệm dự lễ hội để lấy lộc, cải thiện bữa ăn cho dân làng; phá trằm còn là dịp để nạo vét, vệ sinh, thay đổi nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch. Người dân và du khách chỉ được dùng tay và các dụng cụ như chơm, lưới, vợt, rổ, rá… đồ thủ công để bắt cá, chứ không được dùng xung điện. 

Cũng theo quy định bất thành văn của làng Trà Lộc, người tham dự “Phá Trằm” chỉ bắt cá lớn, còn cá nhỏ thả lại để dành cho mùa sau, vì cá trong hồ hoàn toàn là cá tự nhiên, chứ không phải cả nuôi, cá thả. Khi bắt được cá lớn, người bắt cá phải hô lên thật to để tạo không khí vui vẻ, hứng khởi cho mọi người.

Tại lễ khai mạc, trưởng thôn Lê Quang Diệu nói rằng, Trằm là bàu nước do trời đất ban tặng, do vậy sau một năm làm lụng vất vả, bà con nông dân được “Phá Trằm”, mang chút phước lộc của trời đất về cho mình, để được may mắn trong năm. Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, đồng thời giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng làng xã.

Chị Nguyễn Thị Hậu, du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ chị rất ngạc nhiên vì lần đầu được chứng kiến lễ hội có nhiều người cùng bắt cá tại một địa điểm như thế. Bọn trẻ đi cùng bắt cá rất vui, hy vọng địa phương mãi giữ gìn lễ hội văn hóa này.

Trằm Trà Lộc là một khu đầm lầy rộng khoảng 10 ha ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, hiện nay thuộc khuôn viên Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc. Với vị trí nằm giữa vùng đồng bằng thấp trũng, xung quanh là những đồi cát với cánh rừng tràm nguyên sinh phủ bóng, Trằm Trà Lộc được ví như “lá phổi xanh” của xã Hải Hưng. Đây cũng là nguồn dự trữ nước tưới không bao giờ cạn cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng.

Dù có nguồn lợi thủy sản dồi dào với rất nhiều cá tôm mà không dễ nơi nào có được nhưng để tránh việc đánh bắt quá mức làm cạn kiệt, theo quy ước của làng, người dân chỉ được bắt cá tôm vào một ngày nhất định trong năm, đó là ngày “Phá Trằm”.

Ông Cáp Xuân Tường - Phó Chủ tịch xã Hải Hưng cho biết: Gọi là “Phá Trằm” nhưng thực chất chỉ là việc xả nước bắt cá làm thực phẩm trong những ngày mùa vất vả, qua đó vừa cải tạo lòng hồ, vừa thay thế nguồn nước mới làm cho môi trường được đảm bảo hơn. Đặc biệt hơn, cũng là để duy trì lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nơi đây./. 

Một số hình ảnh tại lễ hội “Phá Trằm” độc đáo làng Trà Lộc:

anh-pha-tram-tra-loc-3-1694004186.jpg

anh-pha-tram-tra-loc-1-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-4-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-5-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-8-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-2-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-9-1694004186.jpg
anh-pha-tram-tra-loc-6-1694004186.jpg
Cáp Vương – Lâm Thông