Ví dụ, hiện nay, xã hội chưa nhất trí rằng các Giám đốc doanh nghiệp nhà nước cũng là doanh nhân khi định nghĩa doanh nhân là người bỏ tiền ra để kinh doanh và mục tiêu là vì lợi nhuận. Tuy vậy, theo tôi, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập đến mức như hiện nay thì không thể định nghĩa doanh nhân theo quy mô vốn mà họ bỏ ra bởi trên thế giới có rất nhiều doanh nhân không bỏ tiền ra nhưng vẫn tham gia hiệu quả vào nền kinh tế dựa trên việc huy động tiền của xã hội.
Doanh nhân Việt - Anh là ai?
Sở dĩ có tình trạng như vậy là do chúng ta mới có nền kinh tế thị trường khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên, xét về mặt hiện tượng thì chúng ta phải kết luận rằng, trên thực tế chúng ta đã có một giới doanh nhân và họ đang tạo ra những hoạt động kinh tế có thật, tạo ra những thành tích, những mối quan hệ thương mại được phát triển rộng khắp thế giới. Vậy doanh nhân Việt Nam gồm những đối tượng nào? Theo tôi, có 3 nhóm doanh nhân đã, đang hình thành và làm nên diện mạo của doanh nhân Việt Nam.
Thứ nhất là những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một đối tượng có tốc độ phát triển nhanh về số lượng. Xét theo tiêu chuẩn của những nhà kinh doanh hiện đại thì đây chưa phải là đội ngũ chuyên nghiệp nhưng rõ ràng họ đã có những hoạt động kinh doanh thực thụ. Gần đây, do tình trạng lạm phát mà đối tượng này đang rơi vào một số khó khăn. Số lượng những doanh nhân này bớt đi do phá sản, song lại tăng lên theo sự vận động, phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai là đội ngũ khá đông đảo những người đang điều hành các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù còn có những tranh cãi về việc họ có phải là doanh nhân không nhưng tôi cho rằng, phải xem họ là doanh nhân vì họ phải chịu trách nhiệm xã hội về đồng vốn mà mình sử dụng, về khối tư liệu sản xuất mà trên thực tế, nó vẫn đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong đời sống kinh tế Việt Nam.
Thứ ba là các nhà kinh doanh chuyên nghiệp hoặc bắt đầu có chất lượng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí có những người đã vươn tới vị trí điều hành tại các doanh nghiệp lớn. Đây là lực lượng có năng lực chuyên nghiệp tốt nhất nếu xét theo tiêu chuẩn hội nhập ở Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt trong đội ngũ này là những người kinh doanh tài chính dưới hình thức là các nhà môi giới, các nhà tư vấn tài chính, những người buôn bán các sản phẩm của nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Đối tượng này một vài năm trở lại đây phát triển rất nhanh và rất đông. Họ đang trở thành một lực lượng chiếm giữ địa vị rất quan trọng trong việc làm tốt lên hoặc làm xấu đi nền kinh tế Việt Nam.
Cần có cái nhìn công bằng và thiện cảm
Phải khẳng định rằng, trong điều kiện mới mở cửa mà có được đội ngũ doanh nhân đa dạng như vậy là điều rất đáng ngạc nhiên, và là một trong những cố gắng rất lớn của Việt Nam. Cho nên, đánh giá đội ngũ này theo khía cạnh tiêu cực hay tích cực dựa theo một số tiêu chuẩn cứng nhắc là không công bằng. Trong xã hội, tâm lý kinh doanh đã bắt đầu nở rộ và tâm lý không trọng thương của nền văn hoá Việt Nam cũng đã được khắc phục. Giờ đây, các chức danh của doanh nhân như giám đốc hay trưởng đại diện bán hàng… đã có giá trị xã hội và trong cấu trúc của đời sống xã hội, kể cả trong đời sống gia đình, đội ngũ này đã bắt đầu giữ một địa vị rất đáng kể. Đây là một bước chuyển về nhận thức.
Vấn đề cơ bản là chất lượng của kiến thức kinh doanh, của các thói quen kinh doanh, của nền văn hoá kinh doanh đang còn nhiều vấn đề; hệ thống pháp luật kinh doanh cũng có nhưng chưa đủ chuyên nghiệp để có thể điều chỉnh và hỗ trợ việc hình thành các thói quen kinh doanh hiện đại. Và điều này hình thành trong xã hội một sự ngờ vực nhất định về phẩm hạnh của các nhà kinh doanh Việt Nam.
Vì vậy, xét về quy mô phát triển, tốc độ xuất hiện các năng lực của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thì chúng ta rất đáng tự hào nhưng xét về chất lượng, do những điều kiện mới, do hệ thống đào tạo còn hạn chế nên tính chuyên nghiệp của đội ngũ này chưa cao, sự tôn trọng các quan hệ có tính chất hợp đồng chưa đạt được chuẩn.
Tuy nhiên, chúng ta không thể sốt ruột mà cần có thời gian để biến đổi quy mô về lượng thành quy mô về chất. Do đó, chúng ta phải thận trọng khi khen và công bằng khi chê đối với đội ngũ này. Điều đáng khen là sức sống và sức phát triển của đội ngũ này mặc dù quy mô phát triển mới chỉ là sự nở rộ một cách bản năng trên những khía cạnh kinh doanh thông thường, và chưa chuyên nghiệp. Nhưng những khía cạnh này thể hiện sự mới mẻ của nền văn hóa kinh doanh Việt Nam và sự mới mẻ này cần được trân trọng, tạo điều kiện để trở thành một trong những động lực phát triển của nền kinh tế.
Chung sức, đồng lòng vì đất nước, dân tộc
Để có đội ngũ doanh nhân phát triển thực sự vững mạnh, có một số việc mà Nhà nước và xã hội cần quan tâm.
Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Phải xây dựng một hệ thống pháp lý bền vững nhưng đủ chi tiết để điều chỉnh hành vi kinh doanh từ khu vực căn bản nhất của nền kinh tế là lĩnh vực ngân hàng, tài chính đến mũi nhọn của nền kinh tế như công nghiệp và đến sức sống của nền kinh tế là kinh doanh. Muốn vậy, Nhà nước phải hình thành những cơ sở nghiên cứu để hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô một cách chuyên nghiệp. Tình trạng những chính sách thay đổi nhiều khi mâu thuẫn khiến các doanh nhân rất khó để trở nên chuyên nghiệp, sự ứng phó một cách "tháo vát" của họ với sự thay đổi của chính sách tạo ra sự phát triển của một đặc tính là cơ hội trong kinh doanh.
Thứ hai, phải phát triển các cơ sở đào tạo, cung cấp cho xã hội kiến thức kinh doanh nói chung và cung cấp cho các nhà kinh doanh những kiến thức kinh doanh chuyên nghiệp. Để cung cấp kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân thì việc du học là hoàn toàn không đủ. Và nếu có đủ thì cũng không hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của một nước như Việt Nam. Cho nên, việc phát triển các cơ sở đào tạo những nhà kinh doanh, những nhà quản lý kinh tế chuyên nghiệp là một việc cấp bách cần phải làm ngay.
Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ làm hai việc đó là đủ. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, kinh doanh chưa chuyên nghiệp phản ánh trình độ của nền kinh tế, đồng thời phản ánh cả tình trạng chưa chuyên nghiệp của điều hành môi trường vĩ mô. Cho nên, để có đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, trước tiên chúng ta phải xây dựng một đội ngũ điều hành môi trường vĩ mô chuyên nghiệp.
Như vậy, chúng ta không thể sốt ruột để mong có đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp trong một sớm một chiều được. Chất lượng của đội ngũ doanh nhân sẽ tăng lên cùng với chất lượng của hệ thống chính sách vĩ mô, của hệ thống pháp luật, cũng như chất lượng của người tiêu dùng. Nếu không có đội ngũ tiêu dùng thông thái thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi được một hệ thống sản xuất, phân phối chuyên nghiệp.
Mặc dù hiện nay đội ngũ doanh nhân đang có vị trí quan trọng song chưa hẳn đã được trọng vọng trong xã hội. Nhìn nhận vai trò của doanh nhân là quan trọng và trọng vọng doanh nhân là hai thái độ khác nhau của xã hội. Một nhà kinh doanh bản năng và một nhà kinh doanh có học vấn, hai người đó có địa vị giống nhau trong đời sống kinh tế nhưng có địa vị rất khác nhau trong đời sống tinh thần.
Làm thế nào để biến sự quan trọng đơn giản thành một sự quan trọng có chất lượng văn hóa là một quá trình phấn đấu lâu dài. Vì vậy, mỗi doanh nhân phải phấn đấu trở thành một người quan trọng và từ một người quan trọng trở thành một người được kính trọng. Đó chính là chất lượng văn hóa, chất lượng giáo dục của người đó và đồng thời là năng lực của xã hội trong việc nhận ra giá trị và kính trọng họ./.