Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP.
Sau gần 5 năm, mặc dù CPTPP đã giúp gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Tại tọa đàm "Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP", đề cập tới nguyên nhân tại sao thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa được phát triển mạnh tại các thị trường này, các ý kiến trao đổi tại tọa đàm cho biết, là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại các thị trường. Các doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu riêng chưa được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, năng lực chế biến và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp cũng được cho là còn hạn chế.
Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Từ đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những cơ hội và giá trị do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đáng chú ý, việc xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền mà quan trọng phải có tư duy, chiến lược.
Đơn cử như với sản phẩm gạo ST25 thương hiệu An An của Tập đoàn Tân Long, tháng 6/2022, sản phẩm này đã chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản. Để vào được thị trường này gạo An An đã phải vượt qua 600 tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Vì vậy, xuất khẩu bằng chính thương hiệu của gạo Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được đánh giá là thành công rất lớn của Tập đoàn Tân Long, mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu.