Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTAs, trong đó có 4 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”.
FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhờ vậy, các FTAs không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm năng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý và thực thi về thương mại và đầu tư của nước ta.
Bên cạnh đó, các FTAs thế hệ mới chứa đựng nhiều quy định điều chỉnh chính sách thương mại trong nước của các quốc gia thành viên và đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện.
Đơn cử, CPTPP và EVFTA không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế cụ thể đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực này.
Để khai thác hiệu quả FTAs, theo Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan quản lý Nhà nước cần cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế, nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả, trong đó có cam kết về lao động. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bảo đảm quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích sáng tạo.
Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng từ các nước thành viên tham gia FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các điều kiện theo cam kết và giảm chi phí tuân thủ các hàng rào thương mại. Chủ động đàm phán và ký kết các thoả thuận công nhận chung và thoả thuận tương đương theo ngành với các nước thành viên nhằm giảm chi phí tuân thủ các hàng rào kỹ thuật.
Các bộ, ngàn cần lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước thành viên trong FTAs. Hướng dẫn và quản lý hiệu quả quy tắc xuất xứ; cập nhật, chia sẻ thông tin và kết nối thị trường cho doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, chú trọng tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, yêu cầu về lao động cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. Kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, chuyên môn hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu.