Doanh nghiệp Quảng Ninh vượt "bão" COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng không ngoại lệ.
doanh-nghiep-quang-ninh-1205-1634294196.jpg
Doanh nghiệp Quảng Ninh vượt khó mùa Covid

Tuy nhiên với nền tảng vốn có và thành quả của việc phòng, chống dịch Quảng Ninh đã bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp tại Quảng Ninh vực dậy, thích ứng linh hoạt, sản xuất an toàn, khôi phục và ổn định việc làm cho người lao động.

*Cùng Quảng Ninh duy trì tăng trưởng

Trong 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh ước tăng trưởng 8,6%, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước; trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt trên 33.500 tỷ đồng, bằng 93%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 64.000 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đạt được thành quả đó chính là các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã chủ động với nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đó là áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ công nhân ở lại ăn Tết tại công trường, nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…

Để thích ứng, sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phải nỗ lực lớn, thay đổi tư duy, cách làm.

Ông Phùng Kỳ Luân, Tổng giám đốc Công ty Tonly và Pully Việt Nam, tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên cho biết, ở thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất, công ty đã phải lên các phương án cho công nhân ở lại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng. Công ty chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thời điểm này đang bước vào thời kỳ kinh doanh chính trong năm của công ty nên mọi thứ diễn ra vẫn ổn định. Ông Luân bày tỏ cảm ơn tỉnh Quảng Ninh đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và hy vọng với việc mở rộng kinh doanh sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, trụ sở tại thành phố Hạ Long, vốn là đơn vị đầu tư, kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng từ năm 2007 nhưng sau đó 3 năm, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty lấn sang lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Sau 14 năm, đơn vị đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đầu tư trồng rau sạch hữu cơ... Trong đại dịch, nguồn thu từ nông nghiệp và xử lý rác thải ổn định đã giúp công ty bù chi phí cho xây dựng và chăm lo được đời sống, thu nhập cho công nhân, không chỉ ổn định mà có thời điểm còn tăng.

Ông Thắng tâm sự, mảng xây dựng có sức bền nhất của công ty điêu đứng trong mùa dịch vì thiếu hụt nguyên liệu, giá cả, chi phí dịch vụ tăng mạnh và nhất là thiếu nguồn lao động phổ thông đến từ các tỉnh ngoài do siết chặt các hoạt động giao thông liên tỉnh. Có thời điểm, công trường thi công hạ tầng đô thị của công ty vắng bóng người, dừng hoạt động dài ngày. Trong khi người lao động cần việc làm và thu nhập, do vậy ông phải tìm mọi cách duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho gần 500 lao động.

Để đảm bảo được kế hoạch, công ty phải thay đổi phương thức chỉ đạo và điều hành, sử dụng công nghệ để họp trực tuyến, giảm đi lại hàng chục cây số khi phải triệu tập nhân viên về trụ sở; trong nhà máy lắp đặt thêm hệ thống camera ở các khu vực sản xuất để quản lý và chỉ đạo kịp thời, ông Thắng thông tin thêm.

*Đồng lòng “vượt bão” COVID-19

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ 2020, nhưng thấp hơn 1,1 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm (9,7%). Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng GRDP cả năm là 10,5% thì GRDP quý IV phải tăng 15,3%. Như vậy đồng nghĩa tỉnh Quảng Ninh nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

Tuy nhiên, lĩnh vực truyền thống phát triển kinh tế của tỉnh là các hoạt động du lịch gặp khó khăn với tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, các khu vực công nghiệp, xây dựng được kỳ vọng tiếp tục là động lực dẫn dắt sự bứt tốc trong giai đoạn cuối của năm 2021. Để khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 21,4% trong quý IV, tổng sản lượng than sạch sản xuất năm 2021 phải tăng 2,82 triệu tấn trở lên. Vì vậy Quảng Ninh cam kết tiếp tục hỗ trợ tối đa để động viên ngành than tăng sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước

Đối với động lực tăng trưởng mới là ngành chế biến chế chế tạo, Quảng Ninh sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp dệt may, sản xuất loa, màn hình tivi... tăng năng suất, sản lượng

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, 9 tháng năm 2021, có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ. Đây là những con số tích cực cho thấy ý chí kiên cường và nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ông Thể đồng thuận cao với các biện pháp phòng, chống dịch mà Quảng Ninh đã triển khai từ trước đến nay để bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất dù không được tuyệt đối, nhưng đó là cả quá trình nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân Quảng Ninh.

Tuy nhiên, để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, ông Thể đề xuất tỉnh sẽ nghiên cứu gói hỗ trợ riêng tuy không lớn nhưng phù hợp cho ngành du lịch, dịch vụ nhằm động viên doanh nghiệp cùng tỉnh đồng lòng vượt “bão” COVID-19.

Để hoàn thành mục tiêu kép năm 2021 và các năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tỉnh tiếp tục phấn đấu giữ “vùng xanh” an toàn, địa bàn ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới. Quảng Ninh tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.