Doanh nghiệp Bỉ tìm cách đối phó với khủng hoảng container

Tình trạng thiếu container hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho các công ty xuất nhập khẩu trên thế giới. Dù là một nền kinh tế nhỏ, nhưng Bỉ cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, đặc biệt đối với những công ty xuất nhập khẩu hàng hóa từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
contener-1636856227.png
Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh đó, các công ty Bỉ đã nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng này, đặc biệt cho giai đoạn cuối năm.

Hoạt động từ năm 2014, công ty Geronimo Games  có trụ sở tại tỉnh Namur, cung cấp gần 400 điểm bán hàng tại khu vực Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg) về trò chơi và đồ chơi. Trong số các khách hàng của họ, có các thương hiệu độc lập, nhưng cũng có các mạng lưới bán đồ chơi như Dreamland hoặc Broze.

Ông Simon Fourie, người sáng lập và quản lý của Geronimo Games, cho biết ngay sau khi phát hành trò chơi có thẻ hoặc bảng in mà các nhà cung cấp đặt tại châu Âu, công ty sẽ nhận được nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Thông thường, công ty gom hàng trong một hoặc nhiều container xuất phát từ cảng Trung Quốc. Việc chuyên chở bằng tàu biển chậm hơn tàu hỏa hoặc máy bay, nhưng rẻ hơn. Hiện nay, với chi phí vận tải biển tăng cao, Geronimo Games không vận chuyển bằng đường biển nữa do giá gần như tương đương với đường sắt. Do đó, công ty chuyển sang vận chuyển bằng tàu hỏa.

Ngoài chi phí vận chuyển, ông Simon Fourie còn phải giải quyết tình trạng tắc nghẽn hải quan ở châu Âu. Ông chia sẻ rằng: “Các container của chúng tôi được vận chuyển bằng đường biển đến cảng Antwerp (Bỉ) hoặc Le Havre (Pháp). Ở cả hai phía, hải quan đang quá tải. Nếu cộng thêm sự chậm trễ từ Trung Quốc, thời gian giao hàng bị kéo dài rất nhiều. Chẳng hạn trong tuần này, dự kiến công ty đã nhận được đơn đặt hàng cho các trò chơi được sản xuất từ giữa tháng Bảy tại Trung Quốc. Thông thường thời gian giao hàng sẽ chỉ mất một tháng rưỡi”.

Ông Fourie lo ngại rằng việc giao hàng sẽ đến quá muộn so với những ngày lễ cuối năm và không loại trừ tình trạng khan hiếm hàng. Trong cả hai trường hợp, nhà phân phối sẽ ghi nhận sự thiếu hụt mà họ sẽ chỉ có thể định lượng trong vòng hai tháng.

Cho đến nay, người quản lý của Geronimo Games đã tránh được tác động về chi phí của "cuộc khủng hoảng container" cho các nhà bán lẻ. Ông Fourie giải thích công ty ký các hợp đồng theo năm. Nhưng nếu căng thẳng hiện tại tiếp tục, công ty dự kiến sẽ phải điều chỉnh tăng giá khi thương lượng lại các hợp đồng.

Còn đối với Cowboy, một công ty khởi nghiệp ở Brussels chuyên sản xuất và bán xe đạp điện kết nối, họ cũng bị ảnh hưởng kép bởi tình hình này. Một mặt, trong số 240 bộ phận tạo nên các mẫu xe Cowboy 3 và 4, một nửa được nhập khẩu từ châu Á. Mặt khác, với thông báo gần đây về việc ra mắt tại Mỹ, Cowboy đã sẵn sàng xuất khẩu xe đạp bằng đường biển.

Ông Tanguy Goretti, đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Cowboy cho biết các đơn đặt hàng trước đã được mở từ ngày 23/9 và hiện nay các đơn hàng tồn đọng đang được lấp đầy. Quá trình sản xuất cũng đã bắt đầu. Công ty dự kiến bắt đầu giao hàng cho khách hàng Mỹ từ tháng 1/2022.

Khó khăn chính về hậu cần đối với Cowboy là việc vận chuyển các bộ phận từ châu Á. Chuỗi cung ứng, đặc biệt phức tạp với số lượng phụ tùng nhập khẩu vào châu Âu, đã bị suy yếu nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Đối với một số linh kiện, thời gian giao hàng đã tăng gấp đôi. Các bộ phận, được vận chuyển trong container bằng tàu hỏa, đôi khi bị mắc kẹt giữa châu Á và châu Âu.

Về mặt tài chính, chi phí vận tải bằng đường biển hoặc đường sắt đã tăng lên rất nhiều và điều tương tự cũng xảy ra đối với nhôm và các linh kiện điện tử (nhiều sản phẩm trên Cowboy).

Ông Tanguy Goretti cho biết công ty đang đảm bảo tối ưu hóa việc lấp đầy các container mà không phát sinh các chi phí bổ sung khác về giá bán. Cowboy cũng đang xem xét tăng những linh kiện có thể đưa về châu Âu sản xuất trong trung hạn. Ông hy vọng giá vận tải container hiện đã đạt mức đỉnh và xu hướng giảm có thể bắt đầu trong sáu tháng tới...