Đô thị Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng Đồng bằng Sông Hồng

Đô thị Ninh Bình có quy mô khoảng 23.242 ha, được quy hoạch để trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/07/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa, Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình, thuộc thành phố Tam Điệp; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan.

bai-16-2-1676011806.jpg
Du khách đến với Khu du lịch sinh thái Thung Nham. (tttt.ninhbinh.gov.vn)

Ranh giới phía Bắc giáp huyện Gia Viễn; phía Nam giáp thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh; phía Tây giáp sông Bến Đang, quốc lộ 12B và phần còn lại của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp; phía Đông giáp sông Đáy và tỉnh Nam Định.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An.

trang-an-1676012010.PNG
Đô thị Ninh Bình có tính chất là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: travelloka)

Đô thị Ninh Bình có tính chất là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình; trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Hiện, Ninh Bình có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính,… đặc biệt Khu du lịch sinh thái Tràng An được ghi danh trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Với hạ tầng du lịch hiện nay, Ninh Bình cơ bản phục vụ khả năng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế đã được tổ chức thành công tại Ninh Bình như: Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững năm 2013, tổ chức Đại lễ Phật Đản liên hợp quốc năm 2014, Lễ đón bằng vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2015, năm 2021 tổ chức Năm du lịch Quốc gia “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”…

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong dịp Tết Quý Mão (từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đón gần 400.000 lượt khách, trong đó có gần 30.000 lượt khách quốc tế. Bình quân dịp nghỉ Tết, Ninh Bình đón từ 45.000 khách/ngày đến trên 110.000 khách/ngày. Doanh thu du lịch ước đạt trên 550 tỷ đồng.

Khánh Ngân