Đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung - cầu để ôm hàng
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định, môi giới bất động sản (BĐS) không phải là nguyên nhân chính khiến BĐS bị đẩy giá trong thời gian qua.
Theo ông Đính, thị trường giống như biển lớn, giá bán như những đợt sóng và sóng sau cao hơn sóng trước, người dân thì không biết đến khi nào tình trạng này mới chấm dứt. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới vấn đề an sinh xã hội. Đây là hệ quả của việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân trong suốt một thời gian dài.
Cung không đáp ứng được cầu, khiến cầu bị nén lại. Theo thời gian, mức độ nén càng cao và khi độ nén đạt đến một giới hạn nhất định nó sẽ bật ra và bất chấp nhiều lưu ý để đi tìm cung. Đây được cho là lý do quan trọng nhất khiến cuộc đua săn nhà, săn đất ngày càng trở lên khốc liệt.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung - cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch.
Nhưng cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những tay đầu cơ, có tài chính. Ngay khi nhận thấy cơ hội, họ liều lĩnh “chốt deal”, găm hàng, tìm “mồi ngon” và sang tên, hưởng chênh lệch.
Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới BĐS, bởi môi giới BĐS làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để “ôm” hàng, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường”.
Các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá
Theo ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, thị trường BĐS bao gồm ba chủ thể chính gồm: chủ đầu tư, môi giới và người mua, nhưng câu chuyện đẩy giá lại quy chụp hoàn toàn do môi giới là bất hợp lý.
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, ông Chung khẳng định, giá BĐS tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá.
“Chi phí đầu tư tăng cao, nhu cầu mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận. Bản thân người môi giới không có khả năng can thiệp về mức giá của thị trường”, ông Chung cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, nghề môi giới BĐS là một nghề vô cùng quan trọng, việc siết chặt các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS là cần thiết và phù hợp.
“Thực tế, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng hành nghề, chấp hành tốt các quy định pháp luật, thì cá biệt vẫn còn có một số cá nhân môi giới BĐS bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh BĐS nâng giá hoặc dìm giá thị trường. Nhưng chắc chắn hiện tượng này không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường”, ông Phúc chia sẻ./.