Điều gì giúp nông nghiệp Đắk Lắk tăng trưởng vượt bậc đạt khoảng 22.400 tỷ đồng?

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk có bước tăng trưởng vượt bậc ở hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đem lại giá trị khoảng 22.400 tỷ đồng, bằng 37,8% tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Tạo nền tảng tăng trưởng của nông nghiệp Đắk Lắk là nhờ triển khai những cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hiệu quả tạo ra những nông sản hàng hóa chất lượng và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

nong-nghiep-dak-lak-02-1705281474.jpg
Năm 2023, các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Đắk Lắk đạt khoảng 22.400 tỷ đồng, bằng 37,8% tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, đặc biệt là cây có giá trị như: cà phê, sầu riêng, tiêu bơ, cây có múi, cao su và dược liệu.

Năm 2023, các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Đắk Lắk đạt khoảng 22.400 tỷ đồng, bằng 37,8% tổng sản phẩm toàn tỉnh. Trong đó, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 17.500 tỷ đồng; chăn nuôi trên 2.800 tỷ đồng; và khoảng 1.400 tỷ từ nghề nuôi trồng thủy sản; riêng các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm mạnh nhưng cũng đạt trên 700 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Đắk Lắk, ngành nông nghiệp tỉnh đã có một năm thành công ngoài mong đợi. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Đắk Lắk gần gấp rưỡi so với mức trung bình cả nước.

Ông Dương cho biết thêm, năm 2023, ngành nông nghiệp được đánh giá có nhiều khởi sắc đạt được nhiều kết quả khá tốt. Tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tăng 13% so với năm ngoái 2022.

nong-nghiep-dak-lak-05-1705281579.jpg
Những cây trồng chủ lực đã đem lại giá trị cao cho nông nghiệp Đắk Lắk.

Trên tất cả các linh vực cụ thể đều phát triển vượt bậc, ở lĩnh vực trồng trọt là điển hình nhất khi ngành đã thực hiện các đề án tái cơ cấu tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, lúa gạo và đặc biệt là sầu riêng đã cho giá trị kinh tế gia tăng rất cao.

Có được kết quả đó là nhờ những nỗ lực trong công tác điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh. Trong những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng toàn diện.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,5%; sản xuất nông nghiệp đang tập trung phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, địa phương đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Sức bật từ những cây trồng chủ lực

Đắk Lắk xác định sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… là những cây trồng chủ lực của địa phương để từ đó xây dựng các kế hoạch phát triển. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 210.000ha cà phê, 34.000ha cao su, 32.000ha hồ tiêu, trên 43.000ha cây ăn quả; 170.000ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, Đắk Lắk hiện nay là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với diện tích trên 22.000 ha và sản lượng đứng thứ 2 sau tỉnh Tiền Giang, đang được trồng tập trung tại một số huyện như: Krông Năng 5.706ha, Krông Pắc 4.159ha, Cư M’gar 3.134ha... Ước sản lượng sầu riêng năm 2023 khoảng trên 214.000 tấn/11.000 ha.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu ước đạt trên 160.000 tấn, giá trị mang lại trên 15.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định là nông dân trồng sầu riêng có thu hoạch thì thắng lợi rất lớn. Sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong năm nay được mùa, được giá và được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên giá trị kinh tế mang lại rất cao cho người dân.

Hiện nay, Đắk Lắk đã được phê duyệt 49 mã số vùng trồng, với tổng diện tích được cấp mã là 2.186 ha. Vùng trồng đã gửi thông tin cho Cục BVTV chờ Tổng cục Hải quan Trung quốc phê duyệt là 133 vùng trồng sầu riêng với diện tích 2.892 ha.Đối với cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, Đắk Lắk đã được phê duyệt 17 cơ sở; cơ sở đóng gói đang chờ Tổng cục Hải quan Trung quốc kiểm tra trực tuyến là 9 cơ sở.

nong-nghiep-dak-lak-04-1705281673.jpg
Đắk Lắk hiện nay là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với diện tích trên 22.000 ha.

Còn đối với cà phê, diện tích hiện nay đạt 212.915ha, sản lượng đạt trên 558.729 tấn/năm, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa du lịch.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2022-2023, địa phương xuất khẩu cà phê đạt 318.483 tấn, giảm 76.459 tấn so với Niên vụ 2021-2022 (giảm 19,4%), chiếm tỷ trọng 19,1% so với cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 747,429 triệu USD, giảm 71,647 triệu USD so với niên vụ trước (giảm 8,7%), chiếm tỷ trọng 18,3% so với cả nước.

Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, ngành cà phê của Đắk Lắk đối mặt với nhiều thách thức từ các yêu cầu thị trường khi quy định của các nước nhập khẩu ngày càng tăng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của những quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, việc này giúp ngành cà phê của Đắk Lắk được phát triển bền vững. Với lợi thế là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, thời gian qua Đắk Lắk đã đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con áp dụng công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Tỉnh Đắk Lắk xác định, doanh nghiệp có vai trò "hạt nhân" thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản... Với tinh thần này, Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với bà con ở địa phương phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp, để có được sự quan tâm đầu tư đó, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư./.

Bình Nguyên